Translate

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Lâm Đồng: Văn hóa góp phần thiết thực vào việc phát triển kinh tế xã hội


Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng năm 2012 tại huyện Đơn Dương
VH- Là một tỉnh có hơn 40 dân tộc anh em sinh sống, văn hóa của Lâm Đồng được hình thành từ bản sắc văn hóa lâu đời của các dân tộc thiểu số bản địa gốc Tây Nguyên và nhiều dân tộc khác cũng như văn hóa của cư dân từ tất cả các vùng, miền trong cả nước đến định cư.
Chính sự đan xen, hòa quyện giữa các yếu tố văn hóa này đã tạo cho Lâm Đồng có một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc, phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc riêng.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời và đã có sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ trong đời sống xã hội, hình thành nhiều phong trào văn hóa trong tỉnh, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, nhất là “Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh được nâng lên rõ nét, mức hưởng thụ văn hóa tăng, người dân được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng phổ cập và hiện đại; không còn “điểm trắng” về văn hóa.


 
Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng. Hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức rộng khắp, đa dạng về hình thức, phong phú, hấp dẫn về nội dung, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Vấn đề nhận thức, đạo đức, lối sống của đảng viên, cán bộ công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến quan trọng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội; thu hẹp dần khoảng cách trong đời sống văn hóa giữa nông thôn và thành thị.
Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá, trong đó có bản sắc văn hoá của các dân tộc trên địa bàn, nhất là dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Hằng năm, tỉnh đều triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa tiêu biểu và trực tiếp tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc đã được gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới.
Các Đề án Bảo tồn và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở Lâm Đồng được quan tâm và thực hiện có hiệu quả, đã mở lớp truyền dạy cồng chiêng; trang bị các bộ chiêng truyền thống cho các địa bàn; tổ chức các mô hình bảo tồn văn hóa cồng chiêng tại cơ sở theo hướng sử dụng âm nhạc cồng chiêng vào hình thành sản phẩm du lịch; hằng năm đều triển khai các hoạt động tôn vinh các nghệ nhân dân gian văn hóa cồng chiêng tiêu biểu của tỉnh. 
Với thế mạnh về du lịch thì công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển du lịch luôn được chú trọng, góp phần tạo ra sản phẩm du lịch mang giá trị văn hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên du lịch văn minh, lịch sự, am hiểu lịch sử, văn hóa địa phương nhằm phục vụ tốt du khách. Phát huy tiềm năng du lịch sẵn có, tôn tạo, tu bổ các danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch, đã chú trọng bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa, sản phẩm văn hóa, nhất là sản phẩm văn hóa của các dân tộc bản địa gắn với du lịch, thể hiện tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều tiến bộ, tạo ra giá trị kinh tế cao trong sản xuất, nhất là ngành nông nghiệp. Lâm Đồng là một trong những tỉnh tiêu biểu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã trở thành phương thức sản xuất phổ biến của người nông dân, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của tỉnh…
Bùi Thanh Long
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét