Một góc thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Ảnh: V.V
Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là Đà Lạt khai mạc Festival hoa lần thứ 5 và
kỷ niệm 120 năm vùng đất của người Lạch, Chil, Sre trên cao nguyên Lâm
Viên hoang vu được người Pháp xây dựng thành một thành phố xinh đẹp của
ngàn hoa khoe sắc… Tôi đã đi Đà Lạt nhiều lần, nhưng lần này mới cảm
giác được nhiều khác biệt.
Ai cũng bảo Đà Lạt là khu nghỉ dưỡng lý tưởng,
nhưng có lẽ đó là vào hè. Còn tháng 12 này, đúng là “trở mặt như thời
tiết”. Sáng lạnh buốt, 7h30 nắng chiếu mà vẫn gió, trưa nắng gắt nhưng
tầm 15h30 chiều đã đột ngột chuyển lạnh. Và mặt trời còn đỏng đảnh hơn,
chút ra khỏi mây tỏa sáng, lát lại lẩn khuất vào mây, cứ thế dạy cho
người ta sự kiên nhẫn. Và tối thì gió rét buốt, ù ù thổi những làn hơi
lạnh như nước đá.
Chênh nhau mười mấy độ như thế như một thước đo sức khỏe và thời gian của mỗi người.
Nói đến Đà Lạt là nói đến hoa, nhưng nhiều hoa quá lại
gây cảm giác nhạt nhòa, nó chả khác gì 10 cô hoa hậu đứng cạnh nhau làm
ta khó phân biệt ai đẹp nhất. Và hoa Đà Lạt trong những khu du lịch
(Vườn hoa Đà Lạt, Thung lũng tình yêu…) được cắt tỉa, có nơi “quy hoạch”
thành từng khu nhưng hoa trồng vẫn chỗ sát, chỗ thưa, nên không tạo
thành những thảm hoa như đất nước Hà Lan xinh đẹp đã tạo nên . Và trong
cả vô vàn những loài hoa như thế, tôi chú ý đến mấy bông dã quỳ bé xíu
màu vàng khiêm nhường phía dưới. Nó cũng khác với những “cô cậu” dã quỳ
khác vàng rực hai bên đường đi cao nguyên LangBiang...
Năm 1893, theo đề nghị của bác sĩ Alexandre Yersin -
người từng thám hiểm cao nguyên Lâm Viên - toàn quyền Pháp ở Đông Dương
là Paul Dumer đã cho xây dựng nơi này với kiến trúc và lối quy hoạch đô
thị kiểu Pháp hướng tiện nghi và nghỉ dưỡng, Đà Lạt đã dần trở thành một
trong những thành phố đẹp nhất Việt Nam trong bản đồ tour du lịch Việt.
Những ngôi nhà theo kiến trúc Pháp cũng là một hình ảnh tạo nên sắc
thái rất riêng của nơi đây, luôn cho khách đến Đà Lạt cảm giác như lạc
vào một thành phố châu Âu xa xưa.
Nhưng cảm giác này chỉ là thoáng chốc, bởi trong khắp
thành phố, nhiều ngôi biệt thự cổ cùng không ít những công trình kiến
trúc của Pháp từ thế kỷ trước chịu sự tàn phá của thời gian mà không
được bảo tồn, gìn giữ, nhìn hoang phế, rêu phong, nằm buồn chơi vơi giữa
hàng loạt các công trình kiến trúc mới xây dựng một cách xô bồ, thiếu
quy hoạch, làm cho tổng thể một Đà Lạt có phần lộn xộn, ít thơ mộng.
Ngay cả công trình “đình đám” nhất Đà Lạt, một điểm đến không thể thiếu,
là quần thể kiến trúc “Crazy House” - Biệt thự Hằng Nga, cũng chỉ là
một tập hợp beton hóa thiên nhiên, tạo cảnh giả với phong cách nửa ta
nửa tây, nửa hoang dã, nửa hiện đại và tẻ nhạt bởi sự áp đặt khiên cưỡng
của chủ nhân, không tạo cảm xúc.
Chợ Đà Lạt - một địa điểm thu hút khách du lịch không
chỉ ban ngày, mà ban đêm, nơi đây có vẻ nhộn nhịp hơn, nhưng cũng lại
rất nhàm chán bởi “sản vật” không có gì ngoài nhan nhản hoa khô, đồ len,
các loại mứt quả, và những quán ăn mà sự bảo đảm về an toàn vệ sinh
thực phẩm chỉ là trông vào sự “tốt bụng” của khách. Một điều duy nhất
cảm thấy thích thú ở khu chợ đêm Đà Lạt là sự có mặt của các họa sĩ
đường phố vẽ ký họa chân dung cho khách bằng bút lửa trên gỗ, hay chì
trên giấy, rất nhanh và khá đẹp, một kỷ niệm ý nghĩa khi rời khỏi thành
phố này.
Trong mắt tôi, Đà Lạt là thành phố du lịch có hàng triệu
du khách trong nước và quốc tế đến đây, ít cũng 1-2 ngày, thường 4-7
ngày, nhưng Đà Lạt vẫn thiếu vắng các địa điểm hoạt động văn hóa và giải
trí như nhà hát, rạp xine, các khu vui chơi. Quá trình đô thị hóa ồ ạt
khiến thành phố ngày nay phải chịu nhiều hệ lụy. Nhiều cánh rừng thông
dần biến mất, thay thế bởi các công trình xây dựng hoặc những vùng canh
tác nông nghiệp. Các công viên thì nhân tạo can thiệp thay thế thiên
nhiên đến cứng nhắc và rập khuôn như các phiên bản của nhau…
Đến với Đà Lạt như để tìm lại ký ức đã mất, để bâng
khuâng, ngơ ngác, để chầm chậm hiểu mình, khi dòng chảy của thời gian có
bao giờ ngừng trôi dù lắm khi ta cảm giác nó đông đặc…
Nguồn: http://laodong.com.vn