|
Thư viện KHTH Đà Nẵng hiện nay
|
VH- Tại buổi làm việc với Sở VHTTDL thành phố Đà Nẵng vào sáng
11.2, Bí thư Thành ủy Trần Thọ đã khẳng định, xem việc đẩy mạnh đầu tư
cho lĩnh vực văn hoá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2014.
Đặc biệt, trong đó, việc kết luận thành
phố sẽ đầu tư xây dựng Thư viện Tổng hợp với quy mô lớn, hiện đại ngay
tại vị trí hiện nay tại đường Bạch Đằng đã được dư luận hết sức hoan
nghênh, bởi trong nhiều năm qua, việc quyết định chuyển đổi Thư viện để
sử dụng cho mục đích khác là một trong những vấn đề gây bức xúc cho
người dân Đà Nẵng, nay đã được lắng nghe thực hiện.
Mặc dù được đánh giá là một trong những đô thị phát
triển nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên, thế nhưng, mức độ đầu tư
cho ngành văn hoá của Đà Nẵng lại ở mức rất thấp, đứng thứ 61/63 tỉnh
thành.
Người ta khen
chuyện “5 không, 3 có”, “5 xây, 3 chống”, khen có nhiều cảnh đẹp, nhiều
cây cầu nổi tiếng, người Đà Nẵng hiền hậu, mến khách, Đà Nẵng phát triển
thần kỳ... thì “mát mặt” lắm. Nhưng họ nói chưa thấy khen về văn hóa
thì cả những người đứng đầu Thành ủy, UBND, các Sở, ban ngành và bộ phận
giúp việc phải cảm thấy chạnh lòng vì trách nhiệm này trước hết thuộc
về chúng ta. Nếu nhận thức chưa đúng và trúng thì dẫn đến cư xử chưa
đúng đắn, không xứng tầm. Đầu tư cho văn hoá phải đầu tư về nhân lực
cũng như tài chính. Trong những năm qua, thành phố đã cử hàng trăm sinh
viên đi đào tạo trong và ngoài nước nhưng vẫn chưa cử được một người nào
để đào tạo về lĩnh vực văn hoá. (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ)
|
Theo ông Vũ Hùng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND
thành phố, qua thống kê, kinh phí đầu tư cho văn hóa của Đà Nẵng tỷ lệ
thấp so với quy định chung của cả nước. Ông Hùng nêu 6 công trình văn
hóa lớn cần được thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng, nâng cấp
gồm: Trung tâm Văn hóa thành phố, Thư viện Khoa học tổng hợp, nâng cấp
Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật lên đại học, Bảo tàng Điêu khắc
Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật và Công viên Văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở
VHTTDL cho biết, ngành văn hoá đã có rất nhiều văn bản tham mưu, tuy
nhiên chúng chỉ có tính định hướng chứ không có tính định lượng, không
có tính khả thi vì phần kinh phí đều phải cắt hết, nếu không cắt thì sẽ
bị gạt ra vì không có tiền để thực hiện. Bức xúc nhất của ngành văn hoá
hiện nay chính là sự thiếu trầm trọng các thiết chế văn hoá.
Những năm gần đây, Đà Nẵng phát triển ồ ạt về cơ sở
hạ tầng, nhưng những vị trí đẹp nhất đều dành hết cho phát triển kinh
tế, các thiết chế văn hoá dần dần chuyển ra ngoài trung tâm thành phố.
Thậm chí, hầu hết các hoạt động văn hoá phải sử dụng thiết chế thể thao,
ngành văn hoá hầu như “ăn theo” thể thao như những hoạt động văn hoá
nghệ thuật lớn của thành phố được đưa vào tổ chức tại Cung Thể thao Tiên
Sơn, tại các quận huyện, hoạt động văn hoá nghệ thuật cũng được tổ chức
tại các sân vận động, các Trung tâm Thể thao quận, huyện.