Translate

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: “Khen nhiều về Đà Nẵng mà chưa thấy khen về văn hóa thì phải cảm thấy chạnh lòng”



Thư viện KHTH Đà Nẵng hiện nay


VH- Tại buổi làm việc với Sở VHTTDL thành phố Đà Nẵng vào sáng 11.2, Bí thư Thành ủy Trần Thọ đã khẳng định, xem việc đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực văn hoá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2014.
Đặc biệt, trong đó, việc kết luận thành phố sẽ đầu tư xây dựng Thư viện Tổng hợp với quy mô lớn, hiện đại ngay tại vị trí hiện nay tại đường Bạch Đằng đã được dư luận hết sức hoan nghênh, bởi trong nhiều năm qua, việc quyết định chuyển đổi Thư viện để sử dụng cho mục đích khác là một trong những vấn đề gây bức xúc cho người dân Đà Nẵng, nay đã được lắng nghe thực hiện.
Mặc dù được đánh giá là một trong những đô thị phát triển nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên, thế nhưng, mức độ đầu tư cho ngành văn hoá của Đà Nẵng lại ở mức rất thấp, đứng thứ 61/63 tỉnh thành.
Người ta khen chuyện “5 không, 3 có”, “5 xây, 3 chống”, khen có nhiều cảnh đẹp, nhiều cây cầu nổi tiếng, người Đà Nẵng hiền hậu, mến khách, Đà Nẵng phát triển thần kỳ... thì “mát mặt” lắm. Nhưng họ nói chưa thấy khen về văn hóa thì cả những người đứng đầu Thành ủy, UBND, các Sở, ban ngành và bộ phận giúp việc phải cảm thấy chạnh lòng vì trách nhiệm này trước hết thuộc về chúng ta. Nếu nhận thức chưa đúng và trúng thì dẫn đến cư xử chưa đúng đắn, không xứng tầm. Đầu tư cho văn hoá phải đầu tư về nhân lực cũng như tài chính. Trong những năm qua, thành phố đã cử hàng trăm sinh viên đi đào tạo trong và ngoài nước nhưng vẫn chưa cử được một người nào để đào tạo về lĩnh vực văn hoá. (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ)
Theo ông Vũ Hùng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố, qua thống kê, kinh phí đầu tư cho văn hóa của Đà Nẵng tỷ lệ thấp so với quy định chung của cả nước. Ông Hùng nêu 6 công trình văn hóa lớn cần được thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng, nâng cấp gồm: Trung tâm Văn hóa thành phố, Thư viện Khoa học tổng hợp, nâng cấp Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật lên đại học, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật và Công viên Văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, ngành văn hoá đã có rất nhiều văn bản tham mưu, tuy nhiên chúng chỉ có tính định hướng chứ không có tính định lượng, không có tính khả thi vì phần kinh phí đều phải cắt hết, nếu không cắt thì sẽ bị gạt ra vì không có tiền để thực hiện. Bức xúc nhất của ngành văn hoá hiện nay chính là sự thiếu trầm trọng các thiết chế văn hoá.
Những năm gần đây, Đà Nẵng phát triển ồ ạt về cơ sở hạ tầng, nhưng những vị trí đẹp nhất đều dành hết cho phát triển kinh tế, các thiết chế văn hoá dần dần chuyển ra ngoài trung tâm thành phố. Thậm chí, hầu hết các hoạt động văn hoá phải sử dụng thiết chế thể thao, ngành văn hoá hầu như “ăn theo” thể thao như những hoạt động văn hoá nghệ thuật lớn của thành phố được đưa vào tổ chức tại Cung Thể thao Tiên Sơn, tại các quận huyện, hoạt động văn hoá nghệ thuật cũng được tổ chức tại các sân vận động, các Trung tâm Thể thao quận, huyện.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh cũng thừa nhận, trong những năm qua thành phố đã quá hào phóng cho các doanh nghiệp và tiết kiệm đối với văn hoá. Khu đất dự kiến xây dựng Thư viện Tổng hợp tại Công viên Nam tượng đài cũng bị cắt xén đất để giao cho doanh nghiệp; Thư viện hiện tại không thể gọi là thư viện mà phải gọi là kho sách; Công viên 29-3 quá tải...
Phát triển văn hóa Đà Nẵng hiện nay chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Cái thiếu hiện nay là các thiết chế văn hóa lớn, tầm cỡ để thu hút người dân, du khách đến. Do vậy, bên cạnh đầu tư của Nhà nước thì cũng cần kêu gọi, khuyến khích xã hội hóa để phát triển văn hóa Đà Nẵng mạnh mẽ, bứt phá hơn trong thời gian đến.
Đối với các quận, huyện, việc đầu tư cho thiết chế văn hóa tuy được quan tâm nhưng vẫn chưa có sự đầu tư lớn. Công trình Trung tâm Văn hóa-thể thao quận Liên Chiểu là một ví dụ. Sau nhiều lần đề xuất, kiến nghị, hiện công trình này được đầu tư kinh phí nhưng quá trình triển khai chưa bảo đảm thời gian đề ra.
Qua buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Trần Thọ cho rằng, cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, mà trước hết là nhận thức của Bí thư, Ban Thường vụ, lãnh đạo UBND thành phố, tiếp đó là thay đổi nhận thức của chính quyền các cấp về phát triển văn hoá.
Về đầu tư kinh phí, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính phối hợp với Sở VHTTDL rà soát, trình bổ sung nguồn vốn đầu tư ngành văn hoá năm 2014 với mức tăng 1,5 lần so với năm 2013. Một số công việc phải làm trước mắt là rà soát thực trạng của khu Công viên Khuê Trung trong tháng 3; nâng cấp Công viên 29-3.
Tất cả các quận, huyện rà soát lại các khu vui chơi dành cho trẻ em, vị trí nào phát huy hiệu quả thì giữ lại, nơi nào bỏ hoang, hư hỏng thì chuyển sang đầu tư thành các khu vườn dạo, công viên mini cho người dân trong khu vực.
Đầu tư nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành lập Trung tâm Giao lưu văn hoá quốc tế tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. UBND TP chỉ đạo các đơn vị thực hiện những bước đầu tiên để triển khai dự án Nhà hát lớn thành phố tại khu Đa Phước với diện tích 5,6ha; đẩy nhanh việc di dời Làng đá mỹ nghệ ra khỏi khu Công viên Ngũ Hành Sơn. Tiếp tục thực hiện chương trình “5 không 3 có”, lồng ghép với chương trình “5 xây 3 chống”, xây dựng gia đình văn hoá, nếp sống văn hoá tại khu dân cư…
Ông cũng yêu cầu các địa phương đi vào thực chất, không chạy theo hình thức, quan trọng là sự đánh giá của chính người dân đối với khu phố, thành phố họ đang sống chứ không phải là những con số trong báo cáo.
Bí thư Thành ủy Trần Thọ kết luận, thành phố sẽ đầu tư xây dựng Thư viện Tổng hợp với quy mô lớn, hiện đại ngay tại vị trí hiện nay tại đường Bạch Đằng; yêu cầu Sở VHTTDL đề xuất một dự án để thành phố đưa vào danh sách công trình trọng điểm trong năm 2015; mỗi quận, huyện cũng sẽ được đầu tư một thiết chế văn hoá bức thiết nhất tại địa phương trong năm 2015. Ông nói: “Chúng ta sẽ không thể thực hiện nhiều việc cùng một lúc, nếu tham việc sẽ dẫn đến lực bất tòng tâm. Chúng ta sẽ nỗ lực làm từng việc, cái gì chưa thể làm được, thế hệ kế cận sẽ tiếp tục một cách tốt hơn”.

Thư viện Khoa học Tổng hợp (KHTH) Đà Nẵng nằm trên khu đất 7.000m², có hai mặt tiền ở số 33 Trần Phú và 46 Bạch Đằng (nguyên trước 1975 là trụ sở Trung tâm văn hóa Pháp). Giữa những năm 2000, TP Đà Nẵng quy hoạch Thư viện KHTH về khu đất hơn 3ha sát sông Hàn, nằm phía đông nam tượng đài 2-9, cách khu đất cũ khoảng 7km về hướng nam để lấy đất xây dựng tổ hợp cao ốc, khách sạn gây nên phản ứng dữ dội của người dân, giới kiến trúc sư và báo chí, vì vị trí hiện tại là địa điểm lý tưởng, phù hợp với một thư viện hơn, trong khi tại nơi quy hoạch mới là khu xa trung tâm thành phố, xa dân cư, gây trở ngại cho độc giả.

Tuy nhiên, đến nay, mặc dù Thư viện KHTH vẫn ở khu đất 46 Bạch Đằng cũ nát không được đầu tư sửa chữa, thì giữa năm 2013, người dân lại một lần nữa bức xúc khi biết UBND TP Đà Nẵng có quyết định điều chỉnh quy hoạch và xén bớt một nửa diện tích (hơn 1,5ha) quy hoạch Thư viện KHTH mới để giao cho Sun Group xây dựng… khu vui chơi.
Trung Sáng
Nguồn: http://www.baovanhoa.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét