Translate

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Độc đáo lớp học nhạc cụ truyền thống Việt Nam ở Phần Lan (28/07/2014)


10
Các học viên nhiệt tình học tập và hào hứng tham gia trình diễn  
 














VH- Lần đầu tiên một lớp học sáo trúc và đàn bầu của Việt Nam đã được tổ chức ở thư viện chính của thủ đô Helsinki Phần Lan trong thời gian 5 ngày (từ 14.7 - 18.7.2014).
Lớp học độc đáo này là sáng kiến của TS Bùi Việt Hoa, thủ thư của thư viện Helsinki và là điều phối viên dự án “Nhịp cầu Văn hóa Việt Nam - Phần Lan” của Quỹ Juminkeko. Nhân dịp trong đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ Việt Nam sang tham dự Festival âm nhạc dân gian quốc tế mùa hènăm 2014 ở Phần Lan có nghệ sĩ Nguyễn Đức Thao, giảng viên bộ môn sáo trúc, khoa nhạc cụ truyền thống Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, TS Bùi Việt Hoa đã thay mặt Juminkeko kết hợp với thư viện Pasila, Helsinki tổ chức lớp học. Sau khi đoàn kết thúc chương trình biểu diễn tại Sommelo lần thứ 9 (ởthành phố Kuhmo) và Festival Kaustinen (thành phố Kaustinen) nghệ sĩ Đức Thao đã được mời ở lại để làm người giảng dạy cho lớp học.
Chỉ sau 3 tuần thông báo trên website của thư viện Helsinki và của Hội người Việt tại Phần Lan, qua các tờ rơi quảng cáo được gửi đến các thư viện trong vùng thủ đô, và qua cả mạng xã hội, cho đến trước hôm bắt đầu, lớp học đã thu hút được một số lượng người tham dự ngoài dự kiến. Không kể một số dự thính, 20 học viên gồm người Việt, người Phần Lan, người Trung Quốc... cao tuổi nhất 63 và trẻ nhất 8 tuổi đã chính thức tham dự. Không chỉ những người tổ chức mà cả nhiều người khác cũng ngạc nhiên khi thấy lớp học đã thu hút nhiều học viên với quốc tịch và lứa tuổi khác nhau như vậy. Có người Phần Lan lúc đầu chỉ định mua sáo để bổ sung cho bộ sưu tập nhạc cụ, nhưng sau đó lại tham gia học rất nghiêm túc. Có nghiên cứu sinh từ Việt Nam sang thổ lộ: Từng thích thổi sáo từ lâu, nhưng phải đợi đến khi sang học bên này mới có được điều kiện đểthực hiện ước mơ. Có bạn đọc đã rất lấy làm tiếc vì biết tin về lớp học quá muộn nên không đăng ký được đểtham gia. Lớp học tổ chức miễn phí, người học chỉ phải đóng tiền mua nhạc cụ được giảng viên đặt mua và mang từ Việt Nam sang. Lớp học chia làm hai nhóm với 16 người học sáo trúc và 6 người học đàn bầu.
Tại buổi khai giảng, bà Hanna Rissanen, trưởng phòng bạn đọc của thư viện Pasila Helsinki đã xúc động nói: “Ngoài việc phục vụ sách báo và các loại ấn phẩm khác cho bạn đọc, những năm gần đây Thư viện chúng tôi phải tổ chức nhiều câu lạc bộ, lớp học với các môn học khác nhau để thu hút bạn đọc đến với thư viện, nhưng đây là lớp học độc đáo, kéo dài và hấp dẫn với nhiều thành phần độc giả tham dự nhất cho đến nay. Tôi thật sự ấn tượng với lớp học này”.
Sau một tuần học tập nghiêm túc, tất cả các học viên đã hào hứng tham gia trình diễn kết thúc khóa học tại sảnh chính của Thư viện phục vụ đông đảo bạn đọc. Tại buổi bế giảng, Giám đốc thư viện Pasila (Helsinki) Tiina Tarvonen đã đến cảm ơn và tặng quà cho giảng viên – nghệ sĩ Nguyễn Đức Thao. 
V.X.Q

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Văn hóa đọc và nhận thức của xã hội

Sách giúp người ta thoát được những ràng buộc về không gian, thời gian, những điều kiện cụ thể để bước vào một thế giới khác. Thế nên mới có văn để tải đạo, cũng có văn để đọc chơi.
Trong những năm qua, thị trường sách Việt Nam ngày càng sôi động trước sự ra đời của nhiều doanh nghiệp làm sách cùng các thể loại sách trăm hoa đua nở. Bên cạnh đó, những giải thưởng về sách do các tổ chức xã hội lập ra cũng đã xuất hiện như giải thưởng sách hay của viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục Ired và Dự án sách hay tại TP. Hồ Chí Minh, giải thưởng Fahasa của công ty Cổ phần Phát hành Sách TP.HCM... Tuy nhiên, việc sách phong phú hơn, được quảng bá rộng rãi hơn liệu có góp phần nâng cao văn hóa đọc của cả xã hội lên hay không?
Để có cái nhìn rõ vấn đề, tọa đàm lần này của Doanh Nhân Sài Gòn có năm khách mời - những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa đọc. Đó là PGS-TS Ngôn ngữ học Sư phạm Hoàng Dũng (Giảng viên Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm TP.HCM), ông Phạm Thế Cường (Chủ thư viện Phạm Thế Cường tại quận Gò Vấp kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ sách Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng), ông Nguyễn Văn Phước (Giám đốc Công ty Sách First News), bà
Nguyễn Thúy Uyên Phương (Giám đốc trang Thương mại điện tử Sách truyện trực tuyến Tiki.vn).

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Tạo “cú hích” cho văn hóa đọc (14/04/2014)



Hội chợ sách mùa thu
VH- Tại cuộc họp báo công bố kế hoạch tổ chức Ngày sách Việt Nam năm 2014 hôm 11.4 vừa qua, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) cho biết: “Ngày sách Việt Nam lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 19-21.4 với chuỗi hoạt động hấp dẫn, bổ ích và là ngày hội của toàn dân”.
Mở đầu cho chuỗi hoạt động này là Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng diễn ra tại Quảng trường tượng đài Vua Lý Thái Tổ vào 20h ngày 19.4 và được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình HN. Tiếp đến là các hoạt động như: Tổ chức đường sách với các gian hàng giới thiệu sách, giao lưu, tọa đàm, kể chuyện theo sách, tổ chức bình thơ, văn, thi vẽ tranh, thi xếp sách nghệ thuật, quyên góp sách tặng trẻ em nghèo…
Bộ VHTTDL cũng sẽ tổ chức Ngày hội sách và Văn hóa đọc năm 2014 tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám và Thư viện Quốc gia VN.
Theo đó, với chủ đề “Sách-chìa khóa thành công”, trong hai ngày 19-20.4, tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám sẽ diễn ra các hoạt động như: Triển lãm sách, tư liệu với nhiều chủ đề 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chủ quyền biển đảo…; trình diễn thơ và văn xuôi; thi xếp sách nghệ thuật; quyên góp sách tặng cho thư viện các xã xây dựng nông thôn mới; chương trình đổi sách in lấy sách điện tử…
Tại Thư viện Quốc gia, Ngày hội sách năm 2014 với thông điệp “Sách - Từ quá khứ đến đương đại” sẽ diễn ra từ ngày 20-26.4 với các sự kiện: Triển lãm giới thiệu lịch sử tư liệu Việt Nam được viết tay trên lá cây, in, khắc trên đá, gỗ, đồng, các sách in hiện đại, sách đoạt các giải thưởng sách, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong dịp này, Thư viện Quốc gia sẽ ra mắt cuốn sách được mô phỏng nguyên mẫu từ bản gốc bằng đồng, 18 trang, khắc chữ Nôm, nội dung ghi lại lời tựa bài Ngự chế do vua Minh Mạng viết trong tiết Nguyên đán tháng Giêng năm Minh Mệnh thứ IV (1824) về dòng họ Nguyễn hoàng tộc, sửa và bổ sung ngày 7.12 năm Tự Đức thứ XIII (1860). Bộ sách quý này đang được lưu tại Thư viện Bang Bavaria, Cộng hòa Liên bang Đức, Viện Goethe tại Việt Nam tài trợ cho Thư viện Quốc gia in sao và phục chế nguyên mẫu từ bản gốc.
Có thể thấy, việc lấy ngày 21.4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam tuy muộn nhưng thực sự cần thiết, nhằm động viên khuyến khích tinh thần đọc của người Việt, nâng cao nhận thức vai trò, tầm quan trọng của sách.
Đánh giá về tầm quan trọng của Ngày sách VN. GS Sử học Lê Văn Lan khẳng định, tổ chức Ngày sách Việt Nam là cách để cứu văn hóa đọc, hay nói đúng hơn là cứu nền văn minh đọc và nghĩ của dân tộc ta. Chính vì thế, ngay lần đầu tiên này, chúng ta phải tạo ra được “cú hích” có sức mạnh đủ để làm chấn động, rung chuyển sự lãng quên văn hóa đọc tồn tại bấy lâu nay.
Đơn cử như sự thành công của Hội chợ sách TP Hồ Chí Minh vừa qua, khi các nhà xuất bản tung ra một cách ồ ạt hàng triệu bản sách đã gây chú ý cho độc giả, khiến những người mê sách ngỡ ngàng. Vậy nên, cú đánh đầu tiên này phải đủ nặng mới có giá trị tạo ra truyền thống về mặt cách làm cho những năm tiếp theo. Vì đây là công việc hằng năm, trường kỳ không thể “đánh trống bỏ dùi”. 
Thanh Ngọc 
Nguồn: http://www.baovanhoa.vn

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

Ngày sách Việt Nam tại Hà Nội

TT-DL, Cục Xuất bản, Vụ Thư viện, Thư viện quốc gia và các bên liên quan đang chuẩn bị cho Ngày sách Việt Nam đầu tiên diễn ra tại Hà Nội. Dự kiến ngày 21.4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) sẽ tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chọn ngày 21.4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam. 

Ngày sách Việt Nam tại Hà Nội
Nhiều độc giả háo hức tới Hội sách TP.HCM lần 8 - Ảnh: Ngọc Bi
Nội dung hoạt động tại Ngày sách Việt Nam gồm: triển lãm, giao lưu tác giả - tác phẩm, hội chợ sách, giới thiệu những cuốn sách hay được xuất bản trong năm, trình diễn thơ, văn xuôi, chương trình giao lưu, tọa đàm, kể chuyện theo sách, quyên góp sách tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ các thư viện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… 
Phố Tràng Tiền đang được đại diện Sở TT-TT Hà Nội trình UBND TP.Hà Nội chọn làm Phố sách. Tại các địa phương, Ngày sách Việt Nam, Phố sách và Tuần lễ sách cũng sẽ được tổ chức và thực hiện. Dịp này, Bộ TT-TT phát động cuộc thi sáng tác logo, hình ảnh biểu tượng cho Ngày sách Việt Nam.
Ngọc B
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Lo Quinvaxem nên tỷ lệ tiêm chủng thấp

Ngày 31.3, bác sĩ Đồng Sĩ Quang, Trưởng phòng nghiệp vụ y dược Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn trong quý 1/2014 chỉ đạt 15,9%.
So với kế hoạch năm thì tỷ lệ này đạt rất thấp, đúng ra thì phải đạt 21 - 22%. 
Nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêm chủng cơ bản cho trẻ đạt thấp là do tâm lý của các bậc phụ huynh còn lo lắng, không yên tâm khi cho con mình đi tiêm chủng bởi trong vài năm trở lại đây, trẻ em ở Lâm Đồng hay gặp phản ứng sau khi tiêm Quinvaxem.
Mới đây nhất, ngày 15.1, bé trai T.L.N (hơn 2,5 tháng tuổi, ở phường 7, TP.Đà Lạt) bị tử vong sau khi tiêm Quinvaxem và uống vắc xin sabin (phòng chống bại liệt) tại Trạm y tế phường 7 vào sáng 14.1.
Cũng theo bác sĩ Đồng Sĩ Quang, do tỷ lệ trẻ được tiêm Quinvaxem đạt thấp nên kéo theo tỷ lệ chung đạt thấp.
Tính đến tháng 2.2014, riêng trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem mũi 1 chỉ đạt 16,6%, mũi 2 đạt 23% và mũi 3 đạt 25%.
Trước đó, năm 2013 tỷ lệ tiêm chủng cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh cũng chỉ đạt 74%, trong khi các năm trước tỷ lệ này đều đạt trên 90%.
Gia Bình
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn

“Thư viện xanh” ở Trường tiểu học Đông Ngàn

Trường tiểu học Đông Ngàn (thị xã Từ Sơn) xây dựng thành công “Thư viện xanh” và đưa vào hoạt động từ đầu năm học 2013-2014. Đây có thể coi là một trong những chỉ tiêu mà phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra từ năm 2008 trong các trường học.
Với thị xã Từ Sơn, tiểu học Đông Ngàn là đơn vị đầu tiên xây dựng được mô hình này, trong khi các trường khác, vì nhiều lý do khác nhau (địa điểm, diện tích, kinh phí…) mà chưa triển khai được.
Ở trường tiểu học Đông Ngàn, yêu cầu xây dựng “Thư viện xanh” - Thư viện ngoài trời, được ghi vào Nghị quyết của chi bộ, vào nhiệm vụ năm học. Với các tổ chức công đoàn, chi đoàn, liên đội và các khối lớp, đây cũng được xem là một chỉ tiêu thi đua cụ thể, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Với Ban Giám hiệu, ngoài việc tính toán, sử dụng hợp lý nguồn vốn tự có và sự đồng tình của Hội phụ huynh, các em học sinh, lãnh đạo trường còn mạnh dạn đến “gõ cửa” các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để có thêm nguồn thu cho “Thư viện xanh”.
“Thư viện xanh”-Thư viện ngoài trời của tiểu học Đông Ngàn được bố trí dưới gốc 2 cây xà cừ cổ thụ, ngay phía trong, bên trái cổng trường. Địa điểm này vừa đẹp, gọn, sạch sẽ, lại dễ cho học sinh tiếp cận sách, báo sau tiết thể dục giữa buổi. Các em còn có thể đi học sớm hơn, về muộn hơn để chọn đọc các loại sách, báo mà mình có sở thích. “Thư viện xanh” đặt 8 ghế đá xung quanh hai gốc cây, dưới hai mái che có 4 cột sắt mạ vững chắc, được thiết kế đặc biệt cho riêng “Thư viện xanh” của tiểu học Đông Ngàn.
Còn ở phòng thư viện (đặt trên tầng 2, khu nhà 3 tầng) do diện tích nhỏ nên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đọc sách, báo của học sinh hay cần tra cứu, tham khảo sách giáo khoa, sách nghiệp vụ của giáo viên.
Theo số liệu của cán bộ phụ trách thư viện, toàn trường hiện có hơn 1000 cuốn sách với khoảng 400 nội dung, được chia thành 6 chủ đề: Sách nghiệp vụ, sách giáo khoa, sách tham khảo, sách văn học, truyện thiếu nhi, báo và tạp chí các loại. Số sách, báo kể trên được bày ở 40 ngăn sách trong 2 tủ sách lớn. Cũng do diện tích có hạn nên thư viện chỉ kê được 3 chiếc bàn, 25 ghế ngồi và việc đọc sách, báo ở phòng này được thực hiện vào các buổi chiều cho các khối lớp 2, 3, 4, 5. Riêng lớp 1, cô văn thư sẽ chọn đề tài phù hợp với độ tuổi và trình độ, đọc cho các em nghe. “Thư viện xanh” của trường còn có thêm một số ấn phẩm như: Nhi đồng, Nhi đồng chăm học, Nhi đồng cười, Khoa học và khám phá, Nhi đồng cuối cấp (dành cho lớp 5) Bút hoa, do phụ huynh gửi tặng, làm phong phú thêm kho sách và phù hợp với các em, nhất là các lớp 3, 4, 5.
Nói thêm về việc xây dựng, hoạt động và tác dụng của “Thư viện xanh” của trường, Hiệu trưởng tiểu học Đông Ngàn, chị Tạ Thị Bằng, tâm sự: “Ngoài nỗ lực của cán bộ, giáo viên, học sinh còn phải ghi nhận công sức của cộng đồng, những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đến sự phát triển của nhà trường trong nhiều năm vừa qua. Với “Thư viện xanh” học sinh của chúng tôi có thêm điều kiện nâng cao kiến thức, hoàn thiện nhân cách, từng bước đưa “văn hóa đọc” vào nhà trường, vào cuộc sống của mỗi em và gia đình mình. Cũng nhờ có “Thư viện xanh” chúng tôi hạn chế được khá nhiều các tệ nạn xã hội, kỷ cương học đường, nền nếp sư phạm được tăng cường. Rõ ràng là “Thư viện xanh” mang lại cho trường nhiều điều mới mẻ, góp phần vào việc phấn đấu nâng cao hơn nữa các phong trào thi đua, tiến tới xây dựng trường đạt “chuẩn quốc gia” mức độ 2.”
 Nguyễn Hồng Kỳ
Nguồn: http://baobacninh.com.vn

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Trầm trồ trước những thư viện độc đáo nhất thế giới

(Dân trí) - Những thư viện dưới đây sở hữu kiến trúc tuyệt đẹp cùng với những đầu sách phong phú khiến cho bất kỳ ai đặt chân tới đây cũng phải trầm trồ kinh ngạc.
Thư viện của Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington
Thư viện của Quốc hội Mỹ là thư viện lớn nhất thế giới nếu xét về không gian dành cho các giá sách và số lượng đầu sách. 

Trầm trồ trước những thư viện độc đáo nhất thế giới

Đây là một công trình kiến trúc cao năm tầng ở trên một hình vuông diện tích tới 3 vạn m2 với tổng chiều dài các giá sách lên tới 1.340 km với 151,8 triệu đầu sách. Trung tâm của hình vuông ấy là một phòng đọc cực to hình bát giác, đủ chỗ cho 250 người đọc, bốn chung quanh chia làm phòng đọc cho nghị viện, phòng đọc báo, phòng hội hoạ và phòng đọc cho người mù. Tổng số chỗ ngồi là 1500 chỗ.
Thư viện thành phố Stuttgart, Đức

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Phố Tràng Tiền có thể trở thành Phố sách ở Hà Nội?

 VOV.VN - Phố Tràng Tiền được coi là một trong các phương án thích hợp cho việc tổ chức thí điểm Phố sách ở Hà Nội.
Sáng nay (17/3), tại Thư viện quốc gia Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo “Nội dung và hình thức tổ chức Ngày sách Việt Nam trên phạm vi toàn quốc”, để tham khảo và lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các nhà khoa học cùng các đơn vị liên quan, nhằm hoàn thành việc tổ chức các sự kiện, chương trình về Ngày sách Việt Nam (21/4).
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương liên quan để tổ chức Lễ giới thiệu và công bố Ngày sách Việt Nam. Ngoài ý nghĩa thông báo về Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách, buổi lễ còn là dịp để phát động các hoạt động hưởng ứng Ngày sách hàng năm ở trung ương và các địa phương trên cả nước. Tại buổi lễ, Bộ thông tin và Truyền thông còn phát động cả cuộc thi sáng tác logo, hình ảnh biểu tượng cho Ngày sách.

Quang buổi hội thảo về Ngày sách Việt Nam sáng 17/3 
 
Một trong các địa điểm: Quảng trường tượng đài Vua Lý Thái Tổ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Thư viện Quốc gia sẽ được lựa chọn làm nơi diễn ra buổi lễ. Tuy nhiên, phương án về địa điểm Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện đang vấp phải khá nhiều ý kiến phản đối từ một số chuyên gia.

Phát động cuộc thi Những quyển sách quý

Cuộc thi Những quyển sách quý do Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM, Bảo tàng TP.HCM và Công ty Thái Dương (Kizciti) cùng tổ chức, đang diễn ra từ nay tới hết ngày 10.4.
Cuộc thi là một nội dung trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam (21.4) và Ngày sách và bản quyền thế giới (23.4). Công dân Việt Nam, người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại TP.HCM và một số tỉnh thành khác đều có thể dự thi. Sách dự thi gồm: sách và tài liệu dạng sách bằng các thứ chữ: Việt, Hán, Nôm, Anh, Pháp... được xuất bản từ 50 năm trở lên và lưu giữ tại Việt Nam. Các văn bản như sắc phong, chiếu chỉ, văn tự, bản đồ, hình ảnh... được xếp vào giải sách lẻ hay sách bộ tùy tài liệu dự thi.
Sách quý được hiểu là có nội dung về văn hóa, lịch sử của TP.HCM và cả nước, có niên đại càng xưa càng được chú ý. Sách dự thi phải có thông tin về năm xuất bản và nơi xuất bản trên sách. Tài liệu dự thi phải hoàn chỉnh, sách bộ phải đầy đủ các tập. Ban tổ chức cũng khuyến khích các tài liệu xuất bản bằng chất liệu độc đáo như: gỗ, da, kim loại, đất nung, vải... Không hạn chế số lượng sách tham gia thi.
Nhận mẫu đăng ký tại: Thư viện khoa học tổng hợp (69 Lý Tự Trọng, Q.1), Bảo tàng TP.HCM (65 Lý Tự Trọng, Q.1). Thời gian đăng ký từ nay đến ngày 10.4. Thời gian nhận tài liệu từ ngày 20.3 đến 10.4.
Ngọc Bi
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Sử liệu quý, hiếm của Việt Nam: Nằm rải rác rất nhiều trong dân

TT&VH) - “Cái mà chúng tôi gặp phải ở trong nước là việc hiện nay các tài liệu lưu trữ quý hiếm của chúng ta còn nằm rải rác trong dân rất nhiều: ở các đền, miếu, đình, chùa, trong gia phả của các dòng họ…” - bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết như vậy tại Hội thảo khoa học Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm và phát huy giá trị nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức vào ngày 30/10 vừa qua tại TP.HCM.
Với gần 100 đại biểu, báo cáo viên đến từ 40 cơ quan quản lý, cơ quan lưu trữ trung ương, địa phương và 17 đơn vị chức năng, sự nghiệp thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Hội thảo là dịp để đánh giá việc thực hiện Đề án Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 644/QĐ-Ttg phê duyệt vào ngày 31/5/2012 và đang trong giai đoạn triển khai đến năm 2020.
Với nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam đã được sưu tập trong thời gian qua, theo thống kê sơ bộ, đến nay có khá nhiều tài liệu về biên giới, hải đảo. Đơn cử như tài liệu về Châu bản của triều Nguyễn có liên quan đến quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia và những “Mộc bản” cùng nội dung nói trên tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 (Đà Lạt) và nhiều tài liệu khác từ thời phong kiến đến chế độ Sài Gòn cũ hiện đang nằm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 (TP.HCM).

Tuy nhiên, dù Đề án được triển khai trong bối cảnh Luật Lưu trữ có hiệu lực, nhưng công tác sưu tập vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế.

Bàn về khái niệm “Tài liệu quý hiếm”

1.Tài liệu là gì?
Tài liệu là phương tiện bảo đảm thông tin cho quản lý và sản xuất. Theo nghĩa rộng, tài liệu cần thiết cho mọi lĩnh vực hoạt động xã hội loài người, giúp loài người ghi nhớ những tri thức và kinh nghiệm trong quá trình sống, làm việc và đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Tài liệu hình thành khi các ký tự, chữ viết xuất hiện.
Trong xã hội nô lệ, khi nhà nước đầu tiên của giai cấp chủ nô ra đời, lúc đó giai cấp chủ nô cần chữ viết để ghi chép những số liệu đơn giản đầu tiên, như thống kê số lượng nông nô, ghi sản phẩm thừa, ghi nợ, ghi quyền sở hữu… Thực ra, sự ghi chép đó đã có từ cuối thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ để ghi chép số thú săn bắt được và hoa quả dư thừa mà cả bộ lạc dùng không hết trong ngày và ghi chép các nhu cầu tính toán khác. Đến khi nghề chăn nuôi và nghề trồng trọt xuất hiện thì nhu cầu ghi chép ngày càng lớn, trồng trọt xuất hiện thì nhu cầu ghi chép ngày càng lớn, vì lẽ của cải trong xã hội tăng thêm đã đưa lại sự giầu có cho xã hội, và qua đó xuất hiện một nền văn minh cổ xưa là chữ viết, sau đó tài liệu được hình thành.
Việc ghi chép của xã hội loài người nối tiếp vào các thời kỳ sau, phát triển cùng với sự phân ngành sản xuất trong xã hội và cải tiến kỹ thuật văn phòng. Những ký tự ban đầu thường được thể hiện dưới dạng biểu tượng trên cát, trên vỏ, lá cây. Dần dần loài người sản xuất ra các vật mang tin mới, như thạch cao, đất nung… Hiện nay loài người còn lưu giữ được các kho tài liệu đất nung khổng lồ tại các triền sông Lưỡng Hà vùng Trung Cận Đông. Nhưng nói chung, ngoài tài liệu có vật mang tin như vậy, hiện nay hầu như các nước không còn lưu giữ được tài liệu thời kỳ nô lệ, mà phổ biến chỉ còn tài liệu thời kỳ phong kiến.
Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra để định nghĩa về tài liệu. Nhưng chung quy tài liệu được hiểu như một vật mang tin có chứa thông tin và các thông tin có trong tài liệu được mã hoá dưới dạng vật chất nhất định. Hai yếu tố vật mang tin và thông tin trong tài liệu có mối quan hệ biện chứng với nhau, trong đó nội dung của thông tin có trong tài liệu đó đóng vai trò quyết định tới giá trị của tài liệu.
Theo ngành khoa học lưu trữ, giá trị của tài liệu là khả năng đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng thông tin tài liệu của con người đối với các mặt hoạt động xã hội. Trong xã hội có rất nhiều lĩnh vực hoạt động, do vậy giá trị của tài liệu cũng đa dạng và được tổ hợp thành các nhóm khác nhau. Về mặt lý luận cũng như trong thực tiễn công tác lưu trữ, người ta chia giá trị tài liệu ra làm hai nhóm chính là: Giá trị thực tiễn và giá trị lịch sử.

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Quy trình bảo quản tài liệu

Sách có giá trị khác nhau và được sử dụng khác nhau, do vậy cần lựa chọn cách đóng thích hợp khi chúng bị rách nát. Đóng lại sách thư viện là một hình thức phổ biến hơn cả. Đây là một sự lựa chọn hay nếu như lấy vấn đề kinh tế và tính bền làm mục tiêu. Việc làm này phù hợp với những cuốn sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt thông tin mà nó chứa đựng và không có giá trị như những vật thể. Sách có ý nghĩa tạo tạc hoặc có tính liên hợp ngoài giá trị về mặt thông tin cần được gửi tới chuyên gia bảo quản để xử lý.
Mục tiêu của việc đóng sách thư viện đã thay đổi qua nhiều năm. Trước đây, người đóng sách thư viện cố gắng đưa ra cách đóng chắc chắn, kinh tế và thuận lợi cho việc phục vụ. Tuy nhiên, khi người làm công tác thư viện và người sử dụng bắt đầu chú ý tới chất lượng thẩm mỹ của tài liệu thư viện và trở nên quan tâm tới việc mở rộng cuốn sách và các vấn đề sao chụp có liên quan tới việc khâu vắt, mục tiêu của việc đóng sách đã được mở rộng. Năm 1984 Jan Merill – Oldham xác định các dặc tính cần có khi đóng sách như sau: (1) Đóng sách phải thuận lợi cho việc bảo quản, giảm thiểu việc thay đổi trang bản gốc; (2) đóng sách không được làm hư hại tới văn bản gốc và rút ngắn tuổi thọ; (3) tài liệu được đóng phải mở được dễ dàng trong khoảng 180 độ để thuận lợi cho việc sao chụp tránh làm hỏng tài liệu; (4) tài liệu được đóng phải giữ được ở trạng thái mở khi đặt trên một mặt phẳng như vậy bạn đọc tự do cả hai tay để ghi chép được dễ dàng (1). Ngày nay, khả năng mở rộng và can thiệp tối thiểu cũng như tính bền và giá thành thấp là những mục tiêu hàng đầu của nghề đóng sách thư viện.

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Nhiều “hiến kế” cứu văn hóa đọc



Hội sách mùa thu 2013
VH- Hiện nay, nhu cầu đọc của người VN, đặc biệt là giới trẻ còn thấp, hay nói cách khác, đọc sách chưa phải là nhu cầu thường xuyên.
Vì thế, để khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định lấy ngày 21.4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. 
Thực tế cho thấy, thói quen và mục đích đọc sách của bạn đọc đang thay đổi mạnh mẽ, người đọc có thể tiếp cận sách ở mọi lúc, mọi nơi, họ có thể đọc sách giấy, đọc trên mạng xã hội, đọc bằng các thiết bị đọc. Đó là chưa kể tới việc hiện nay thị trường sách vô cùng phong phú về nội dung và hình thức, có nhiều sách được coi là “sách đen” lại được giới trẻ chuyền tay nhau đọc hăng say. Thật đáng lo ngại, có những bạn trẻ lại cho rằng đọc sách là lạc hậu – đây là thời đại của công nghệ thông tin thì phải lên mạng đọc vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn kém.
Theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT), tính đến năm 2013, mức hưởng thụ bình quân của người dân nước ta chỉ đạt 3,2 bản sách/người (bao gồm cả sách giáo khoa). Theo số liệu thống kê của Bộ VHTTDL, mỗi người VN chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm tại thư viện.
Bạn Ngô Thị Nhàn, sinh viên trường Đại học Văn hóa HN, cho biết: “Xu hướng đọc của các bạn trẻ hiện nay có nhiều biểu hiện lệch lạc, chủ yếu là đọc truyện tranh với nội dung đơn giản, thậm chí thiếu lành mạnh, ngại đọc sách kinh điển, lý luận, đặc biệt sách dày, nhiều chữ… Ngay như tại các thư viện trường đại học, các bạn sinh viên tập trung rất đông khi mùa thi đến gần, chủ yếu là học để thi và đọc báo, tạp chí để giải trí trong quá trình ôn bài. Còn với những ngày bình thường thì các thư viện hầu như vắng bóng. Chính những điều này đang làm cho văn hóa đọc trong giới trẻ bị lãng quên”.

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Hội thi những quyển sách quý lần thứ 1



(SGGP).- Sáng 28-2, Thư viện KHTH TPHCM đã phát động hội thi “Những quyển sách quý” lần thứ 1 năm 2014 do thư viện phối hợp cùng Bảo tàng TPHCM và Công ty Tư vấn và Đầu tư Thái Dương (KizCiti) tổ chức.
Các sách, tài liệu gửi dự thi không giới hạn ngôn ngữ, chất liệu thể hiện kể cả các loại sắc phong, chiếu chỉ, văn tự, bản đồ… nhưng phải có thời gian xuất bản, hình thành ít nhất là 50 năm và đang được lưu trữ tại Việt Nam. Ưu tiên các loại sách nói về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là về vùng đất Sài Gòn - TPHCM. Ban giám khảo dự kiến gồm các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia am hiểu về sách, văn hóa như PGS Lê Xuân Diệm, PGS-TS Đặng Văn Thắng; bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản TP; các nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, Nguyễn Văn Thoa, Trần Đình Sơn…
Mọi công dân Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TPHCM và các tỉnh thành khác đều có thể tham dự hội thi. Thời gian nhận đăng ký từ 28-2, thời gian nhận tài liệu từ 20-3 đến hết 10-4. Quá trình thẩm định tài liệu từ 14-4 đến 16-4 và dự kiến từ ngày 22-4 đến 29-4 sẽ tổ chức trao giải và triển lãm các tài liệu đoạt giải tại Bảo tàng TPHCM.
TƯỜNG VY
Nguồn: http://www.sggp.org.vn


Cận cảnh thư viện thiếu nhi hiện đại tại TP.HCM

(TNO) Sáng nay, 24.2, thư viện dành cho học sinh tiểu học, được đánh giá là mô hình thư viện tiên tiến, xuất sắc nhất của TP.HCM, đã khánh thành tại Trường tiểu học Lạc Long Quân, quận 11, TP.HCM.


Quang cảnh một góc thư viện. Học sinh có thể trao đổi, diễn kịch, vẽ tranh...
Thư viện trong Trường tiểu học Lạc Long Quân nằm trong dự án Thư viện - trái tim nhà trường nhằm xây dựng thư viện đạt chuẩn do Sở GD-ĐT TP.HCM, Quỹ Hỗ trợ và phát triển giáo dục (EDF) và Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) phối hợp thực hiện.


Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Thông điệp kêu gọi kinh phí từ bạn đọc để nâng cao tốc độ đường truyền

Vì tương lai con em chúng ta, bạn đọc hãy trợ giúp kinh phí để Thư viện tỉnh Lâm Đồng nâng cao tốc độ đường truyền, giúp truy tìm thông tin vào mùa thi sắp tới được tốt hơn.

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Lên mạng mượn sách về nhà

TTO - Không phải ebook, cũng chẳng phải đặt mua sách trực tuyến, iBookStop là hình thức thư viện trên mạng - cho mượn sách tận nơi - vừa mới ra đời nhưng đã nhận được phản hồi tích cực từ phía cộng đồng mạng.
Giao diện trang mượn sách của cô chủ Lê Lưu Anh Thư

Và ít ai biết được để "nên vóc nên hình" iBookStop, cô chủ Lê Lưu Anh Thư (30 tuổi) đã từ bỏ một công việc ổn định, lương cao để dành 24/24 giờ cho giấc mơ sách này.
"Để không bực mình khi đọc sách.


Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Ngất ngây phượng tím Đà Lạt

Cùng với muôn loài hoa khác, sắc màu nao lòng của phượng tím đã góp phần làm nên thương hiệu “Đà Lạt - Thành phố Festival hoa Việt Nam".
Phượng tím có nguồn gốc từ Nam Mỹ , du nhập vào Đà Lạt năm 1960, được trồng nhiều ven phố Nguyễn Thị Minh Khai (đường vào chợ Đà Lạt), đường Nguyễn Văn Cừ (ấp Ánh sáng), trong công viên, trường học, khu du lịch, dinh thự, công sở...
Phượng tím (tên khoa học Jacaranda Mimosifolia) là loài cây thân gỗ được trồng bằng hạt, 10 tuổi cao khoảng 10-12m, tán lá rộng 6-8m, thường nở hoa vào mùa xuân (từ tháng 1 đến tháng 4), hoa hình ống dài 4-5cm, nở từng chùm màu tím thật dễ thương.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: “Khen nhiều về Đà Nẵng mà chưa thấy khen về văn hóa thì phải cảm thấy chạnh lòng”



Thư viện KHTH Đà Nẵng hiện nay


VH- Tại buổi làm việc với Sở VHTTDL thành phố Đà Nẵng vào sáng 11.2, Bí thư Thành ủy Trần Thọ đã khẳng định, xem việc đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực văn hoá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2014.
Đặc biệt, trong đó, việc kết luận thành phố sẽ đầu tư xây dựng Thư viện Tổng hợp với quy mô lớn, hiện đại ngay tại vị trí hiện nay tại đường Bạch Đằng đã được dư luận hết sức hoan nghênh, bởi trong nhiều năm qua, việc quyết định chuyển đổi Thư viện để sử dụng cho mục đích khác là một trong những vấn đề gây bức xúc cho người dân Đà Nẵng, nay đã được lắng nghe thực hiện.
Mặc dù được đánh giá là một trong những đô thị phát triển nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên, thế nhưng, mức độ đầu tư cho ngành văn hoá của Đà Nẵng lại ở mức rất thấp, đứng thứ 61/63 tỉnh thành.
Người ta khen chuyện “5 không, 3 có”, “5 xây, 3 chống”, khen có nhiều cảnh đẹp, nhiều cây cầu nổi tiếng, người Đà Nẵng hiền hậu, mến khách, Đà Nẵng phát triển thần kỳ... thì “mát mặt” lắm. Nhưng họ nói chưa thấy khen về văn hóa thì cả những người đứng đầu Thành ủy, UBND, các Sở, ban ngành và bộ phận giúp việc phải cảm thấy chạnh lòng vì trách nhiệm này trước hết thuộc về chúng ta. Nếu nhận thức chưa đúng và trúng thì dẫn đến cư xử chưa đúng đắn, không xứng tầm. Đầu tư cho văn hoá phải đầu tư về nhân lực cũng như tài chính. Trong những năm qua, thành phố đã cử hàng trăm sinh viên đi đào tạo trong và ngoài nước nhưng vẫn chưa cử được một người nào để đào tạo về lĩnh vực văn hoá. (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ)
Theo ông Vũ Hùng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố, qua thống kê, kinh phí đầu tư cho văn hóa của Đà Nẵng tỷ lệ thấp so với quy định chung của cả nước. Ông Hùng nêu 6 công trình văn hóa lớn cần được thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng, nâng cấp gồm: Trung tâm Văn hóa thành phố, Thư viện Khoa học tổng hợp, nâng cấp Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật lên đại học, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật và Công viên Văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, ngành văn hoá đã có rất nhiều văn bản tham mưu, tuy nhiên chúng chỉ có tính định hướng chứ không có tính định lượng, không có tính khả thi vì phần kinh phí đều phải cắt hết, nếu không cắt thì sẽ bị gạt ra vì không có tiền để thực hiện. Bức xúc nhất của ngành văn hoá hiện nay chính là sự thiếu trầm trọng các thiết chế văn hoá.
Những năm gần đây, Đà Nẵng phát triển ồ ạt về cơ sở hạ tầng, nhưng những vị trí đẹp nhất đều dành hết cho phát triển kinh tế, các thiết chế văn hoá dần dần chuyển ra ngoài trung tâm thành phố. Thậm chí, hầu hết các hoạt động văn hoá phải sử dụng thiết chế thể thao, ngành văn hoá hầu như “ăn theo” thể thao như những hoạt động văn hoá nghệ thuật lớn của thành phố được đưa vào tổ chức tại Cung Thể thao Tiên Sơn, tại các quận huyện, hoạt động văn hoá nghệ thuật cũng được tổ chức tại các sân vận động, các Trung tâm Thể thao quận, huyện.


“50 sắc thái” trong Top sách hấp dẫn nhất ở Anh năm 2013

Nhà văn EL James, tác giả của bộ ba cuốn sách Fifty Shades 
Nhà văn EL James, tác giả của bộ ba cuốn sách Fifty Shades

Cuốn tiểu thuyết dành cho người lớn Fifty Shades of Grey lần đầu tiên xuất hiện trong Top các cuốn sách được mượn nhiều nhất ở thư viện của Anh trong năm 2013.
Fifty Shades of Grey là một tập trong bộ ba phần của Fifty Shades (50 sắc thái) được nhà văn EL James xuất bản lần đầu tiên vào năm 2011. Cuốn sách kể về câu chuyện của một cô sinh viên đôi mươi bắt đầu mối quan hệ với người đàn ông lớn tuổi.
Vẫn còn nhiều lời đánh giá về cuốn tiểu thuyết của nhà văn EL James nhưng dường như các độc giả ở Anh đã bắt đầu tìm đọc Fifty Shades of Grey nhiều hơn trong năm qua.
Sự thành công của cuốn tiểu thuyết trước đó phần lớn đến từ các chương trình đọc sách điện tử như máy tính bảng hay Kindle, nơi mà người hâm mộ có thể tìm đọc nội dung của cuốn sách mà không lo bị phán xét hay đánh giá ở nơi công cộng.
Fifty Shades ban đầu được xếp loại vào những cuốn tiểu thuyết lãng mạn là tựa sách phổ biến nhất được tìm đọc ở thư viện kể từ tháng 6/2012 - 6/2013, theo thống kê mới nhất được công bố vào hôm 14/2.
Fifty Shades chỉ xếp sau hai cuốn sách ăn khách của tác giả Lee Child với tên gọi The AffairA Man Wanted.
Tác giả Hilary Mantel, người từng đoạt giải thưởng văn học Booker danh giá xếp ở vị trí thứ 8 với cuốn Bring Up The Bodies. Nhà văn Jeff Kinney thống trị bảng xếp hạng các cuốn sách được mượn nhiều nhất của trẻ em với tựa sách Diary Of A Wimpy Kid.
Sức hút của Harry Potter đã giảm dần khi bộ sách của nhà văn JK Rowling không còn xuất hiện trong Top 20. Thay vào đó, The Casual Vacancy đưa JK Rowling xếp ở vị trí thứ 10 trong danh sách những cuốn sách được mượn nhiều nhất tại các thư viện ở Anh.
Nếu như nhà văn EL James đã có một năm 2013 khá thành công thì nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lãng mạn, Danielle Steel đã rời khỏi Top những tiểu thuyết dành cho người lớn lần đầu tiên kể từ năm 1988.
Thống kê hàng năm đến từ các thư viện ở Anh tạo điều kiện để các nhà văn nhận được khoản tiền mặt đến từ mỗi cuốn sách được mượn từ các thư viện.
Tại Việt Nam, bản quyền tiếng Việt của 50 sắc thái được Alpha Books đấu giá thành công, dịch và xuất bản trong tháng Giêng năm 2013.
10 cuốn sách được mượn nhiều nhất ở Anh năm 2013
1. Lee Child - The Affair
2. Lee Child - A Wanted Man
3. E L James - Fifty Shades of Grey
4. James Patterson và Maxine Paetro - 11th Hour
5. Jeff Kinney - Diary Of A Wimpy Kid: The Last Straw
6. Jeff Kinney - Diary Of A Wimpy Kid
7. James Patterson - Guilty Wives
8. Hilary Mantel - Bring Up The Bodies
9. James Patterson and Michael Ledwidge - I, Michael Bennett
10. J K Rowling - The Casual Vacancy
Theo Thể thao Văn hóa

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Tianyi, thư viện tư nhân lâu đời nhất Trung Quốc

Đến với thư viện để chiêm ngưỡng những tác phẩm lâu đời và quý hiếm của Trung Quốc và tận hưởng không gian nho nhã đậm chất truyền thống.
 Tianyi Pavilion, với tuổi thọ hơn 430 năm, là thư viện tư nhân xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc, đồng thời là một trong 3 thư viện tư nhân lâu đời nhất trên thế giới.
Với diện tích 26.000 mét vuông, Tianyi nằm cạnh hồ Ming đẹp như tranh vẽ ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Nơi đây lưu giữ hơn 300.000 ấn bản, trong đó có 80.000 đầu sách quý.
Tianyi được xây vào năm 1561 dưới triều nhà Minh. Fan Qin, người sáng lập, từng được bổ nhiệm làm quan tại nhiều tỉnh thành Trung Quốc thời đó. Vốn có niềm đam mê đọc sách, ông thu thập rất nhiều sách sử địa phương nơi mình tại chức, tài liệu về các triều đại và những tác phẩm thơ ca văn học. Quý giá nhất trong bộ sưu tập có lẽ là nhiều bản chép tay và những cuốn sách Fan được bạn bè tặng.

pinterest-8617-1389242363.jpg
Bên trong Tianyi Pavilion. Ảnh: Pinterest.

Theo thời gian, số văn thư tại Tianyi dần bị mục nát, hư hại. Một lượng lớn sách còn bị mất cắp hay tịch thu. Để khôi phục lại thư viện, chính quyền cam kết bảo vệ và tăng số lượng đầu sách, đồng thời tìm kiếm, thu thập những tài liệu thất lạc.
Ngoài số lượng khổng lồ văn thư quý hiếm, Tianyi còn nổi bật bởi lối kiến trúc nho nhã, bầu không gian yên tĩnh và đậm chất Trung Hoa. Nhiều tác phẩm nghệ thuật được trưng bày để du khách chiêm ngưỡng. Bao quanh các gian phòng có hồ nước, vườn cây, hòn non bộ… đem đến cho người tham quan cảm giác thư thái. Tianyi là địa điểm hút khách du lịch nhất trong cả thành phố Ninh Ba.

tianyi-pavilion-a-creation-by-5275-3159-
Cảnh quan thư viện. Ảnh: Cultural-China.

Tianyi được Trung Quốc công nhận là di sản quốc gia vào năm 1982. Tên của nó nằm trong danh sách 10 thư viện đẹp nhất thế giới. Nếu bạn yêu thích đọc sách, ham mê tìm hiểu lịch sử, hoặc muốn tìm đến một không gian cổ điển yên bình, Tianyi là sự lựa chọn phù hợp.
Kenzie 
Nguồn: http://dulich.vnexpress.net

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

15 năm tin vào sách nói

TT - Sáng 5-1, lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Thư viện sách nói ấm áp với những màn trình diễn đầy cảm xúc của các mái ấm, các nghệ sĩ khiếm thị không chuyên đủ mọi lứa tuổi, với sắc vàng của hoa hướng dương trên sân khấu, những lời không thể tốt đẹp hơn gửi đến Thư viện sách nói, đến Hướng Dương.
 Lê Thị Nhung (Mái ấm khiếm thị Nhật Hồng) gọi thanh âm của sách nói là “ánh sáng thần tiên”. “Ánh sáng” ấy đã soi vào bóng đen bí mật của Nhung và các bạn, mở ra cả một thế giới như Nhung kể: “Một buổi sáng, cô giáo bảo: “Hôm nay chúng ta có một món quà đặc biệt, các con nhận đi”. Không phải bánh kẹo, không phải quần áo mới, quà hôm nay chính là những quyển sách, truyện tranh, truyện cổ tích mà trước đây tôi và các bạn khiếm thị vẫn cầm trên tay, mân mê trang giấy, có khi che mặt khóc vì không biết có gì trong ấy. Nay tất cả các cuốn sách đều biết nói, giọng nói ngọt ngào, ấm áp. Mùa hè của chúng tôi từ đó có hoa phượng rơi, có cánh diều bay cao bên bờ đê, có thiên đường của các loài hoa, của các con vật đáng yêu. Thế giới của chúng tôi từ đấy có màu của hoa, màu của lá, màu của bình minh, màu của những buổi hoàng hôn...”

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Thu âm hơn 1.300 bản sách nói

Trong 15 năm qua, Thư viện Sách nói (TP Hồ Chí Minh) đã đọc thu âm trên 1.300 tựa sách in, phục vụ miễn phí hơn 270.300 băng cassette và đĩa CD-Mp3 cho tất cả các hội người mù và các cơ sở nuôi dạy trẻ em mù trong cả nước.
Thành lập từ năm 1998, đến nay đây vẫn là Thư viện sách nói đầu tiên và duy nhất phục vụ cho gần 1 triệu người mù cả nước. Hiện nay, Thư viện đã phục vụ miễn phí sách nói cho 89 đơn vị hội người mù và trường học có học sinh mù cả nước.
Ngoài hệ thống các cuốn băng cassette, đĩa CD và Mp3 được đọc thu âm từ các cuốn sách in, người mù có thể bỏ vào máy để nghe dễ dàng; sách nói hiện nay đã được đăng tải trên website Sachnoionline.com, với đủ các thể loại, phục vụ người mù lòa trong nước và nước ngoài. Đến nay, Thư viện Sách nói đã đưa lên mạng gần 1.000 tựa sách nói, với tổng số truy cập hơn 17 triệu lượt.

H.Chung
Nguồn: http://baotintuc.vn