TT - Sáng 5-1, lễ kỷ niệm 15 năm thành lập
Thư viện sách nói ấm áp với những màn trình diễn đầy cảm xúc của các
mái ấm, các nghệ sĩ khiếm thị không chuyên đủ mọi lứa tuổi, với sắc vàng
của hoa hướng dương trên sân khấu, những lời không thể tốt đẹp hơn gửi
đến Thư viện sách nói, đến Hướng Dương.
Lê Thị Nhung (Mái ấm khiếm thị Nhật Hồng) gọi thanh âm của sách nói là “ánh sáng thần tiên”. “Ánh sáng” ấy đã soi vào bóng đen bí mật của Nhung và các bạn, mở ra cả một thế giới như Nhung kể: “Một buổi sáng, cô giáo bảo: “Hôm nay chúng ta có một món quà đặc biệt, các con nhận đi”. Không phải bánh kẹo, không phải quần áo mới, quà hôm nay chính là những quyển sách, truyện tranh, truyện cổ tích mà trước đây tôi và các bạn khiếm thị vẫn cầm trên tay, mân mê trang giấy, có khi che mặt khóc vì không biết có gì trong ấy. Nay tất cả các cuốn sách đều biết nói, giọng nói ngọt ngào, ấm áp. Mùa hè của chúng tôi từ đó có hoa phượng rơi, có cánh diều bay cao bên bờ đê, có thiên đường của các loài hoa, của các con vật đáng yêu. Thế giới của chúng tôi từ đấy có màu của hoa, màu của lá, màu của bình minh, màu của những buổi hoàng hôn...”
Lê Thị Nhung (Mái ấm khiếm thị Nhật Hồng) gọi thanh âm của sách nói là “ánh sáng thần tiên”. “Ánh sáng” ấy đã soi vào bóng đen bí mật của Nhung và các bạn, mở ra cả một thế giới như Nhung kể: “Một buổi sáng, cô giáo bảo: “Hôm nay chúng ta có một món quà đặc biệt, các con nhận đi”. Không phải bánh kẹo, không phải quần áo mới, quà hôm nay chính là những quyển sách, truyện tranh, truyện cổ tích mà trước đây tôi và các bạn khiếm thị vẫn cầm trên tay, mân mê trang giấy, có khi che mặt khóc vì không biết có gì trong ấy. Nay tất cả các cuốn sách đều biết nói, giọng nói ngọt ngào, ấm áp. Mùa hè của chúng tôi từ đó có hoa phượng rơi, có cánh diều bay cao bên bờ đê, có thiên đường của các loài hoa, của các con vật đáng yêu. Thế giới của chúng tôi từ đấy có màu của hoa, màu của lá, màu của bình minh, màu của những buổi hoàng hôn...”
Ánh sáng thanh âm
Không chỉ riêng Nhung, hàng trăm bài viết khác cũng
cùng lặp lại một ý ấy: ánh sáng. Ánh sáng không chỉ là sắc màu, ánh sáng
từ sách nói là cuộc sống, là kiến thức, là tình cảm, là hành trang để
đến trường, để vào đời, để trải nghiệm, để trưởng thành. 15 năm, chặng
đường đã dài, nhiều em bé say mê nghe cổ tích ngày nào giờ đã thành thầy
giáo, cô giáo, thành những ông bố, bà mẹ vững vàng. Vậy mà các tình
nguyện viên của thư viện vẫn cứ lặng lẽ đến phòng thu, dùng thanh âm tạo
ra ánh sáng rồi lại lặng lẽ ra về, để ánh sáng tự do tỏa đi theo con
đường của nó.
Ban tổ chức đã phải đau đầu khi tìm ra mười bài để trao
giải, nhưng nguồn động lực mà những giọng đọc ánh sáng của Hướng Dương,
Bá Trung, Trung Nghị, Ngọc Hân, Dương Liễu, Hoàng Anh... nhận được từ
những người thụ hưởng sản phẩm của mình không chỉ đủ cho 15 năm qua mà
sẽ còn thừa cho nhiều năm sau nữa. Ông Hàng Chức Nguyên, trưởng ban tổ
chức cuộc thi, phát biểu trước lúc trao giải: “Các tác giả gửi bài dự
thi đều là những người có niềm lạc quan kỳ lạ. Bắt đầu từ nỗi đau mất
ánh sáng, họ đã đi một cách tự tin, mạnh mẽ trên con đường của mình, về
phía đích đến của mình. Và họ đều khẳng định: người bạn đồng hành không
mỏi mệt, không chán nản, luôn sẵn sàng bất kỳ lúc nào, hoàn cảnh nào của
mình chính là những cuốn sách biết nói”.
Những người đồng hành
15 năm luôn đau đáu nghĩ về cách mang lại ánh sáng cho
những em học sinh không thể thấy ánh sáng, ánh sáng từ sách nói cũng dẫn
đường cho cả Hướng Dương nữa, để gặp được thêm nhiều bạn đồng hành, để
tạo ra nhiều sản phẩm khác nữa: học bổng “Ánh Sen” cho học sinh, học
bổng “Hướng Dương” cho sinh viên, giải cờ vua, chương trình “Thắp sáng
niềm tin” đưa các em đi du lịch biển mỗi năm, chương trình “Sưởi ấm niềm
tin” khám sức khỏe...
Đứng nhìn các em nô giỡn hết mình trên sóng biển Hồ
Cốc, ông Võ Anh Tài, tổng giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành
Saigontourist, rớm nước mắt vì hạnh phúc. Mười năm trước, ông đã một lần
rớt nước mắt khi tình cờ xem chương trình kỷ niệm năm năm thành lập Thư
viện sách nói trên truyền hình. Nhìn thấy hình ảnh Hướng Dương cặm cụi
trong phòng thu, thấy các em vây quanh máy cassette, thấy mấy cô cháu
nắm tay nhau hát, ông Tài nghĩ đến con mình, đến sự nao nức hồi hộp của
những đứa trẻ trước những kỳ nghỉ, trước chuyến đi chơi. “Con mình sống
trong đầy đủ còn vậy, huống chi các em mù”, và ông đã lập tức tìm cách
liên hệ với Hướng Dương. Thế là đã mười năm “Thắp sáng niềm tin” đưa
các em đến biển, đến các công viên nước để biết rằng những gì được tả
trong sách mà cô Hướng Dương đọc đều có thật.
Trong tất cả những lời phát biểu, từ của các nhà hảo
tâm quen thuộc, lời tri ân đại diện cho các học sinh, sinh viên khiếm
thị của thạc sĩ Nguyễn Văn Long, lời cảm ơn của ông Trần Quang Em - phó
chủ tịch Hội Người mù VN, đến lời ghi nhận đánh giá của ông Nguyễn Văn
Rảnh - trưởng Ban dân vận Thành ủy TP.HCM... đều đọng lại ở một băn
khoăn: đã 15 năm rồi mà Thư viện sách nói vẫn còn tạm trú, vẫn còn “ở
đậu”. Cũng như phải bịt mắt lại mới hiểu được bóng đêm của người mù, có
gắn bó với thư viện mới hiểu được cảnh rày đây mai đó, phòng thu âm với
những thiết bị kỹ thuật nhạy cảm luôn phải di chuyển. Năm ngoái, sau bốn
lần “dọn nhà”, Hướng Dương cùng cả ban quản trị Quỹ từ thiện sách nói
dành cho người mù đã vỡ òa niềm vui khi được UBND TP.HCM cấp căn nhà số
18 Đinh Tiên Hoàng để làm chỗ an cư lạc nghiệp. Nhưng niềm vui ấy lại
mau chóng “xẹp” đi trước khoản kinh phí cần thiết để có thể sửa chữa một
căn nhà cấp 4 cũ nát thành một thư viện.
“Mục tiêu sắp tới của thư viện là phải quyết tâm xây
nhà cho mình” - Hướng Dương nhấn mạnh, cũng là lần đầu tiên chị đưa ra
mục tiêu trên cương vị giám đốc thư viện. Còn suốt chặng đường 15 năm
qua, chị cùng các bạn đồng hành của mình chỉ đi bằng sự dẫn dắt của trái
tim, như lời bài hát đoạt giải cuộc thi “Sách nói - bạn đường”: “Mười
lăm năm một đoạn đường ai hay/Có hương bay, có đắng cay, ngọt bùi/Em vẫn
bước đi, vượt lên bao nắng gió/Để sách nói yêu thương là ánh sáng, là
nụ cười...”.
PHẠM VŨ
Kết quả của 15 năm
Khởi đầu từ những buổi Hướng Dương đến Trường phổ thông
đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đọc sách, Thư viện sách nói dành cho người
mù thành lập năm 1998, là chương trình Vì ngày mai phát triển thứ 101
của báo Tuổi Trẻ. 15 năm qua, thư viện đã thu âm trên 1.300 tựa
sách in, tặng hơn 270.000 băng cassette và đĩa CD cho các hội người mù
và cơ sở nuôi trẻ em khiếm thị toàn quốc. Website sachnoionline.com ra
đời từ ba năm nay, đã đưa lên mạng gần 1.000 tựa sách nói, thu hút hơn
17 triệu lượt truy cập.
Nhờ có sách giáo khoa, các giáo trình cao đẳng, đại học
biết nói, học sinh, sinh viên khiếm thị vững vàng và tự tin hơn khi lên
lớp. 152 học sinh khiếm thị vào đại học, 92 sinh viên đã tốt nghiệp và
có việc làm ổn định, hai sinh viên đã có bằng thạc sĩ.
Học bổng Ánh Sen dành cho học sinh khiếm thị đã vận
động được 1.287 suất học bổng; học bổng Hướng Dương dành cho sinh viên
khiếm thị đã tặng 482 suất học bổng cho 152 sinh viên, 91 laptop cho
sinh viên học giỏi.
Giải cờ vua thu hút hàng trăm vận động viên tham gia,
nhiều em đã được chọn vào các đội tuyển chuyên nghiệp và đạt nhiều huy
chương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét