Translate

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Thắp lửa ‘văn hóa đọc’ vùng quê lúa

Nhờ có thư viện miễn phí, nông dân thôn An Phú (Thái Bình) được đọc sách báo sau giờ làm ruộng, con em học giỏi, đỗ đại học điểm cao. 

 Bà Vũ Thị Nga giới thiệu 'không gian đọc' thôn Bương Hạ tại nhà mình - d
Bà Vũ Thị Nga giới thiệu 'không gian đọc' thôn Bương Hạ tại nhà mình - Ảnh: V.V.T

Từ tháng 4.2008, thư viện miễn phí mang tên “Không gian đọc An Phú” được mở tại thôn An Phú, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã  trở thành nơi bà con trong thôn tìm đến sau thời gian làm ruộng. Đây là hình thức thư viện cộng đồng do anh Phạm Bắc Cường, anh Nguyễn Văn Quân, chị Kiều Bạch Tuyết cùng quê An Phú sáng lập, với mong muốn mở mang kiến thức cho bà con,  từ già đến trẻ. Lúc đầu thư viện gom được hơn 100 sách, báo mới, cũ, sau 5 năm đã tăng lên 2000 cuốn.
Anh Cường chia sẻ: “Cuối năm 2004, khi tình cờ biết đến dự án Room to read của Giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh của Tập đoàn Microsoft tại châu Á - Thái Bình Dương về cung cấp sách báo miễn phí và các hoạt động cộng đồng cho học sinh các nước nghèo, trong đó có Việt Nam, tôi đã băn khoăn tự hỏi “sao Tây làm được mà ta không làm được?”. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tìm được anh Quân, chị Tuyết cùng hợp tác, anh Cường đã chọn quê mình làm thí điểm, vì nghĩ nếu có một thư viện miễn phí, sẽ bồi đắp thêm cho truyền thống hiếu học người dân cũng như thúc đẩy kinh tế nơi đây phát triển.
Lúc đó, dù đang làm việc ở Trung Quốc, anh Cường vẫn gửi tiền, nhờ người đặt mua báo gửi về phát miễn phí cho bà con đọc. Vợ chồng anh Quân, chị Tuyết thì dành hẳn phòng khám bệnh của mình để làm thư viện, trồng thêm cây xanh ở sân nhà để tạo không gian thoáng đãng phục vụ người dân đến đọc sách, báo. Mỗi tuần, thư viện thu hút hàng trăm bạn đọc. Anh Quân còn tích cực liên hệ với thư viện tỉnh và thư viện Quỳnh Phụ để thường xuyên luân chuyển sách báo mới về phục vụ độc giả.
Để khuyến khích văn hóa đọc của người dân, cả 3 người còn tổ chức các cuộc thi viết về sách thường kỳ, bình chọn bạn đọc xuất sắc hàng năm, lập danh sách bạn đọc đỗ đại học… để tặng sách. Ngoài ra, “không gian đọc” còn tổ chức thêm các hoạt động giao lưu, tặng sách, thu hút bạn đọc từ nhiều nơi khác.
Một lần đưa cô cháu gái đến thăm ‘Không gian đọc An Phú”, cảm phục tinh thần hăng say của những thanh niên trẻ tuổi, bà Vũ Thị Nga ở thôn Bương Hạ Tây, xã Quỳnh Ngọc, dù lúc đó đã 70 tuổi cũng hăng hái về gom sách báo, bỏ tiền đóng giá sách, mở “Không gian đọc Bương Hạ”. Được sự giúp đỡ của nhiều người, đến nay thư viện đã có hơn 400 đầu sách, báo các loại. “Đã có hơn 100 người làm thẻ để mượn sách miễn phí, chủ yếu là các cháu học sinh và các cụ già trong làng, xã. Nhiều người từ xã khác biết tiếng, cũng hàng tuần đạp xe qua mượn sách”, bà Nga hồ hởi.
Nhờ các “không gian đọc” miễn phí này, nhiều học sinh siêng năng đến đọc sách được mở mang thêm kiến thức, vươn lên thành học sinh giỏi, thi đỗ nhiều trường ĐH điểm số cao. Từ hiệu ứng tích cực của “Không gian đọc” đầu tiên ở An Phú, đến nay, trong và ngoài huyện Quỳnh Phụ đã lập được 8 điểm “Không gian đọc” phục vụ bà con. Một số điểm nữa cũng sắp được ra mắt. Anh Cường còn dự tính nhân rộng mô hình này ở TP.HCM, Thái Nguyên và Hải Dương sắp tới.
Tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng bằng khen cho những người tổ chức “Không gian đọc” vì đã có thành tích xuất sắc, có nhiều đóng góp trong việc phục vụ văn hóa đọc tại cộng đồng.
Viết Tuân

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130927/thap-lua-%E2%80%98van-hoa-doc%E2%80%99-vung-que-lua.aspx

Người đau mắt đỏ cần đến ngay cơ sở y tế


Dịch đau mắt đỏ bùng phát mạnh mạnh trong thời gian gần đây, không chỉ ở Hà Nội, mà còn ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Các bác sĩ khuyến cáo: Người bệnh không nên tự mua thuốc mà cần đến khám bác sỹ chuyên khoa để dùng thuốc đúng chỉ định, tránh nhầm lẫn với một số loại bệnh về mắt khác.
Khám điều trị cho người bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

* Tại Hà Tĩnh: Dịch đau mắt đỏ bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 9 và một tuần trở lại đây, dịch bùng phát mạnh. Tuy nhiên, theo bác sỹ Dương Kim Dũng - Giám đốc Trung tâm mắt Hà Tĩnh, dịch đau mắt đỏ ở Hà Tĩnh rất khó kiểm soát và khó nắm được chính xác số lượng người mắc bệnh.

Bác sỹ Dương Kim Dũng cho biết, gần đây, mỗi ngày Trung tâm mắt Hà Tĩnh đón tiếp từ 50 – 70 lượt người bệnh đến khám, chủ yếu là bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh chính xác số người mắc bệnh trên địa bàn bởi nhiều gia đình bị đau mắt cả nhà thì chỉ có một người đi khám và lấy thuốc. Nhiều người bệnh không tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước mà tự đi khám và mua thuốc ở các quầy dược tư nhân. Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm này có hơn 750 trường hợp đến khám và lấy thuốc tại các bệnh viện trong thành phố.

Lâm Đồng: Văn hóa góp phần thiết thực vào việc phát triển kinh tế xã hội


Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng năm 2012 tại huyện Đơn Dương
VH- Là một tỉnh có hơn 40 dân tộc anh em sinh sống, văn hóa của Lâm Đồng được hình thành từ bản sắc văn hóa lâu đời của các dân tộc thiểu số bản địa gốc Tây Nguyên và nhiều dân tộc khác cũng như văn hóa của cư dân từ tất cả các vùng, miền trong cả nước đến định cư.
Chính sự đan xen, hòa quyện giữa các yếu tố văn hóa này đã tạo cho Lâm Đồng có một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc, phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc riêng.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời và đã có sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ trong đời sống xã hội, hình thành nhiều phong trào văn hóa trong tỉnh, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, nhất là “Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh được nâng lên rõ nét, mức hưởng thụ văn hóa tăng, người dân được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng phổ cập và hiện đại; không còn “điểm trắng” về văn hóa.