Translate

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Nhiều “hiến kế” cứu văn hóa đọc



Hội sách mùa thu 2013
VH- Hiện nay, nhu cầu đọc của người VN, đặc biệt là giới trẻ còn thấp, hay nói cách khác, đọc sách chưa phải là nhu cầu thường xuyên.
Vì thế, để khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định lấy ngày 21.4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. 
Thực tế cho thấy, thói quen và mục đích đọc sách của bạn đọc đang thay đổi mạnh mẽ, người đọc có thể tiếp cận sách ở mọi lúc, mọi nơi, họ có thể đọc sách giấy, đọc trên mạng xã hội, đọc bằng các thiết bị đọc. Đó là chưa kể tới việc hiện nay thị trường sách vô cùng phong phú về nội dung và hình thức, có nhiều sách được coi là “sách đen” lại được giới trẻ chuyền tay nhau đọc hăng say. Thật đáng lo ngại, có những bạn trẻ lại cho rằng đọc sách là lạc hậu – đây là thời đại của công nghệ thông tin thì phải lên mạng đọc vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn kém.
Theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT), tính đến năm 2013, mức hưởng thụ bình quân của người dân nước ta chỉ đạt 3,2 bản sách/người (bao gồm cả sách giáo khoa). Theo số liệu thống kê của Bộ VHTTDL, mỗi người VN chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm tại thư viện.
Bạn Ngô Thị Nhàn, sinh viên trường Đại học Văn hóa HN, cho biết: “Xu hướng đọc của các bạn trẻ hiện nay có nhiều biểu hiện lệch lạc, chủ yếu là đọc truyện tranh với nội dung đơn giản, thậm chí thiếu lành mạnh, ngại đọc sách kinh điển, lý luận, đặc biệt sách dày, nhiều chữ… Ngay như tại các thư viện trường đại học, các bạn sinh viên tập trung rất đông khi mùa thi đến gần, chủ yếu là học để thi và đọc báo, tạp chí để giải trí trong quá trình ôn bài. Còn với những ngày bình thường thì các thư viện hầu như vắng bóng. Chính những điều này đang làm cho văn hóa đọc trong giới trẻ bị lãng quên”.

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Hội thi những quyển sách quý lần thứ 1



(SGGP).- Sáng 28-2, Thư viện KHTH TPHCM đã phát động hội thi “Những quyển sách quý” lần thứ 1 năm 2014 do thư viện phối hợp cùng Bảo tàng TPHCM và Công ty Tư vấn và Đầu tư Thái Dương (KizCiti) tổ chức.
Các sách, tài liệu gửi dự thi không giới hạn ngôn ngữ, chất liệu thể hiện kể cả các loại sắc phong, chiếu chỉ, văn tự, bản đồ… nhưng phải có thời gian xuất bản, hình thành ít nhất là 50 năm và đang được lưu trữ tại Việt Nam. Ưu tiên các loại sách nói về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là về vùng đất Sài Gòn - TPHCM. Ban giám khảo dự kiến gồm các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia am hiểu về sách, văn hóa như PGS Lê Xuân Diệm, PGS-TS Đặng Văn Thắng; bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản TP; các nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, Nguyễn Văn Thoa, Trần Đình Sơn…
Mọi công dân Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TPHCM và các tỉnh thành khác đều có thể tham dự hội thi. Thời gian nhận đăng ký từ 28-2, thời gian nhận tài liệu từ 20-3 đến hết 10-4. Quá trình thẩm định tài liệu từ 14-4 đến 16-4 và dự kiến từ ngày 22-4 đến 29-4 sẽ tổ chức trao giải và triển lãm các tài liệu đoạt giải tại Bảo tàng TPHCM.
TƯỜNG VY
Nguồn: http://www.sggp.org.vn


Cận cảnh thư viện thiếu nhi hiện đại tại TP.HCM

(TNO) Sáng nay, 24.2, thư viện dành cho học sinh tiểu học, được đánh giá là mô hình thư viện tiên tiến, xuất sắc nhất của TP.HCM, đã khánh thành tại Trường tiểu học Lạc Long Quân, quận 11, TP.HCM.


Quang cảnh một góc thư viện. Học sinh có thể trao đổi, diễn kịch, vẽ tranh...
Thư viện trong Trường tiểu học Lạc Long Quân nằm trong dự án Thư viện - trái tim nhà trường nhằm xây dựng thư viện đạt chuẩn do Sở GD-ĐT TP.HCM, Quỹ Hỗ trợ và phát triển giáo dục (EDF) và Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) phối hợp thực hiện.