Hội sách mùa thu 2013 |
VH- Hiện nay, nhu cầu đọc của người VN, đặc biệt là giới trẻ còn
thấp, hay nói cách khác, đọc sách chưa phải là nhu cầu thường xuyên.
Vì thế, để khuyến khích và phát triển
phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý
nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách, Thủ tướng Chính phủ
vừa ký Quyết định lấy ngày 21.4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam.
Thực tế cho thấy, thói quen và mục đích đọc sách của
bạn đọc đang thay đổi mạnh mẽ, người đọc có thể tiếp cận sách ở mọi lúc,
mọi nơi, họ có thể đọc sách giấy, đọc trên mạng xã hội, đọc bằng các
thiết bị đọc. Đó là chưa kể tới việc hiện nay thị trường sách vô cùng
phong phú về nội dung và hình thức, có nhiều sách được coi là “sách đen”
lại được giới trẻ chuyền tay nhau đọc hăng say. Thật đáng lo ngại, có
những bạn trẻ lại cho rằng đọc sách là lạc hậu – đây là thời đại của
công nghệ thông tin thì phải lên mạng đọc vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn
kém.
Theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát
hành (Bộ TT-TT), tính đến năm 2013, mức hưởng thụ bình quân của người
dân nước ta chỉ đạt 3,2 bản sách/người (bao gồm cả sách giáo khoa). Theo
số liệu thống kê của Bộ VHTTDL, mỗi người VN chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm
tại thư viện.
Bạn Ngô Thị Nhàn, sinh viên trường Đại học Văn hóa
HN, cho biết: “Xu hướng đọc của các bạn trẻ hiện nay có nhiều biểu hiện
lệch lạc, chủ yếu là đọc truyện tranh với nội dung đơn giản, thậm chí
thiếu lành mạnh, ngại đọc sách kinh điển, lý luận, đặc biệt sách dày,
nhiều chữ… Ngay như tại các thư viện trường đại học, các bạn sinh viên
tập trung rất đông khi mùa thi đến gần, chủ yếu là học để thi và đọc
báo, tạp chí để giải trí trong quá trình ôn bài. Còn với những ngày bình
thường thì các thư viện hầu như vắng bóng. Chính những điều này đang
làm cho văn hóa đọc trong giới trẻ bị lãng quên”.
Từ thực tế đáng buồn này, để xây dựng phong trào đọc
sách trong cộng đồng đã không ít người có tâm huyết bỏ những cơ quan
lớn, bỏ những nghề “hot”, ngành “hot” để đi làm xuất bản, làm thư viện,
phát hành sách và cống hiến cho tri thức nước nhà. Đơn cử như Nguyễn
Quang Thạch đi xe máy xuyên Việt để kêu gọi xây dựng các tủ sách cho
nông thôn, như Phạm Bắc Cường say sưa và ngày đêm cống hiến cho những
Không gian đọc… và giờ đã là những điểm sáng của phong trào đưa sách về
nông thôn.
Là người đam mê sách, chị Lê Lưu Anh Thư đã tốn không
ít tiền bạc để mua đọc những tác phẩm hay. Nhưng nhiều lần chị cảm thấy
bực mình vì nội dung sách không hay như lời giới thiệu ở bìa, còn giá
sách trong nhà có hạn. Vì thế, suốt năm năm qua, dù công việc chuyên
viên nhân sự ở công ty nước ngoài khá bận rộn nhưng cứ có thời gian
rảnh, chị lại tìm hiểu về cách thức làm thư viện cộng đồng ở nước ngoài.
Từ ý tuởng đó, đầu năm 2014, chị cùng với các cộng sự
trong ngành IT và quản trị thư viện xây dựng nên hệ thống thư viện trực
tuyến iBookStop (ibookstop.vn) với sứ mệnh: “Gìn giữ văn hóa đọc và
kiến tạo giá trị nhân văn trên nền tảng công nghệ”. Để mọi người có thể
mượn sách, đọc sách thoải mái, càng làm càng muốn thư viện hoàn chỉnh
hơn, nên chị Thư xin nghỉ việc để toàn tâm toàn sức chăm lo cho
iBookStop.
Hiện nhóm chỉ có ba người và phải làm tất cả các công
việc, trong đó có giao nhận sách đến mọi ngõ ngách trên địa bàn TP Hồ
Chí Minh. Vì thế, ra đời chưa lâu nhưng iBookStop đã thu hút được đông
đảo dân văn phòng và giới học sinh, sinh viên.
Nhằm hưởng ứng, khuyến khích phong trào đọc sách của
cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định lấy ngày 21.4 hằng năm
là Ngày Sách Việt Nam. Đây không chỉ là ngày hội của người đọc, của
những người yêu quý sách mà còn là một điểm sáng khơi dậy và nuôi dưỡng
đam mê đọc sách của xã hội, trước hết là giới trẻ, tôn vinh những người
có công sức và trí tuệ làm ra sách, những người quảng bá và lưu giữ
nguồn tri thức của nhân loại.
Để ngày hội này không chỉ nằm trên giấy, hằng năm
trên cả nước sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn và bổ ích. Chẳng hạn
như: Tổ chức các cuộc triển lãm, giao lưu tác giả - tác phẩm, hội chợ
sách, tổ chức trao giải thưởng sách hằng năm; tổ chức Ngày sách VN tại
các thư viện trên cả nước; Tuần lễ sách tại các tỉnh, thành phố trên cả
nước; tổ chức Phố sách tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phố sách không chỉ là nơi bày bán sách mà còn là nơi người dân có cơ hội
mua sách giá rẻ và được tiếp cận với nhiều loại sách phong phú. Ngoài
việc bày bán sách giấy, có thể mở thêm các loại hình kinh doanh sách
khác như quầy dịch vụ điện tử-nơi người dân có thể truy cập, tìm kiếm
thông tin, đọc sách và mua sách trên mạng…
Ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản VN cũng
cho biết, tới đây Hội Xuất VN bản sẽ phối hợp với Hội Thư viện VN tổ
chức đọc sách, bình luận sách, trao đổi về sách trong sinh viên tại các
thư viện trường học trên cả nước. Có thể chỉ đơn giản là buổi trao đổi,
thảo luận giữa học sinh các lớp, giữa các khối học, trong đó có cả sự
tham gia của các giáo viên về những cuốn sách đã đọc. Hay phát động, tổ
chức các phong trào, chương trình kêu gọi học sinh ủng hộ sách cho thư
viện của trường…
Thanh Ngọc
Nguồn: http://www.baovanhoa.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét