Là tỉnh vùng Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng có nhiều
thuận lợi để phát triển nông nghiệp do khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp SX
nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, chè, cà phê…
Từ năm 2004, tỉnh đã triển khai chương trình NNCNC, có tác động tích cực
đối với phát triển KT-XH địa phương…
Doanh thu tính theo mét vuông
Từ năm 2004-2010, Lâm Đồng đã đầu tư gần 3.000 tỉ đồng cho chương
trình NNCNC, trong đó vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm chưa đến 38 tỉ
đồng, số còn lại chủ yếu được huy động trong dân và các thành phần kinh
tế ngoài quốc doanh… Thời gian đầu một vài doanh nghiệp FDI đầu tư SX
vài chục héc ta rau, hoa ở Đà Lạt, đến nay NNCNC được mở rộng hàng ngàn
héc ta ở khắp các huyện. Một số thương hiệu sản phẩm của địa phương ngày
càng được khẳng định trên thị trường như rau, hoa Đà Lạt, chè B’lao, cà
phê Di Linh, lúa gạo Cát Tiên, chuối Laba…
Hiện địa bàn tỉnh có 58 cơ sở nuôi cấy mô (ứng dụng công nghệ sinh
học trong SX giống cây) với khoảng gần 500 kỹ sư, kỹ thuật viên, trong
đó trên 150 người có trình độ đại học, trên đại học và hàng ngàn người
SX có kiến thức và kinh nghiệm.
Nhờ lợi thế về điều kiện tự nhiên, TP Đà Lạt đã có bước phát triển
đột phá về năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm rau hoa. Sản
phẩm không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn vươn ra
thị trường thế giới. Khởi đầu từ Cty TNHH Dalat Hasfarm đầu tư trồng
hoa CNC để xuất khẩu trên diện tích 2,5 ha nhà kính, đến nay DN mở rộng
quy mô trang trại lên 300 ha, trong đó 70 ha nhà kính hiện đại trồng
hoa, có hệ thống điều khiển ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm; tự động hóa khâu
bón phân, tưới nước…
Qua gần 20 năm phát triển, Dalat Hasfarm đã trở thành DN trồng hoa số
1 ở Đông Nam Á cả về diện tích và sản lượng. Hiện Cty trồng trên 300
giống hoa cắt cành và hoa chậu, sản lượng hoa năm 2011 đạt 90 triệu
cành, trong đó 65% để xuất khẩu. Mỗi năm, Dalat Hasfarm xuất hàng chục
triệu cành hoa sang thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Australia, Đài Loan,
Campuchia…
Trang trại hoa Langbian Farm cũng là một trong những đơn vị tiên
phong ứng dụng NNCNC vào SX. Từ hàng chục năm trước, trang trại này đã
có kỹ sư sinh học lo phụ trách về kỹ thuật, nhập giống hoa từ nước
ngoài, lập website để giao dịch, bán hàng. Hiện trang trại này có 30 ha
hoa, trong đó 7 ha trồng trong nhà kính; 1 phòng nuôi cấy mô và đội ngũ
lao động 70 người, trong đó có 15 kỹ sư sinh học, nông học.
Từ năm 1995 xã viên nhiều HTX ở Đà Lạt đã được hướng dẫn SX rau theo
chương trình kiểm soát dịch hại tổng hợp (IPM), sau đó là SX theo hướng
GAP để tạo sản phẩm rau sạch, giá trị cao. HTX Xuân Hương đang SX hàng
chục loại rau (giống hoàn toàn nhập ngoại), doanh thu đạt 1-1,5 tỷ
đồng/ha/năm. Đặc biệt, sản phẩm xà lách đạt tới 2,5 tỷ đồng/ha.
Cty Dalat GAP mỗi năm SX khoảng 350 tấn rau, trong đó 200 tấn ớt ngọt
được xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản, còn lại tiêu thụ nội địa theo giá
hợp đồng ổn định… Sản phẩm rau, quả sạch của các đơn vị khác ở Đà Lạt
cũng có thị trường khá ổn định thông qua các nhà phân phối uy tín như
Co.opMart, Metro… Với cây rau, việc ứng dụng CNC không chỉ tăng năng
suất mà còn tạo được dòng sản phẩm sạch.
Sản phẩm được cấp chứng nhận “Rau Đà Lạt”
Ở TP Đà Lạt, SX theo quy mô lớn, ứng dụng CNC để trồng hoa, rau đang
là hướng đi của nhiều nông dân, DN, trang trại, HTX…; riêng doanh thu từ
trồng hoa luôn đạt “khủng”. Hiệu quả SX không tính trên héc ta, trên
sào mà có nơi tính bằng mét vuông.
Có thể điểm qua một số nơi SXNN CNC hiệu
quả tại TP Đà Lạt như trang trại rau an toàn Phong Thúy, Cty TNHH liên
doanh Organik Đà Lạt, Cty CP CNSH rừng hoa Đà Lạt, Cty TNHH Hoa Mặt
trời, vườn địa lan Anh Quỳnh, vườn lan Sang Còi…Ở huyện Đức Trọng
cũng có không ít DN ứng dụng NNCNC vào SX và tạo được sản phẩm an toàn,
nhiều diện tích trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới tự
động phủ màng polimer đạt từ 100-200 triệu đồng/ha, SX trong nhà lưới
đạt 200-300 triệu đồng/ha, SX trong nhà kính đạt 300-500 triệu
đồng/ha/năm.
Hiện có 8 DN ở Đức Trọng được Sở NN-PTNT Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận
đủ điều kiện SX rau sạch, an toàn, đó là Cty TNHH Bồ Công Anh, Cty CP
Quốc tế, Cty TNHH SX Nông sản XK Nhật Việt Đài, HTX Nông sản an toàn thị
trấn Liên Nghĩa, HTX An Phú (xã Hiệp An), cơ sở SX rau Phong Thúy (thị
trấn Liên Nghĩa), cơ sở SX rau Hà Trang và cơ sở SX rau Tiến Huy.
Tiến tới làm NNCNC đại trà
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, toàn tỉnh có gần 11.000 ha canh tác ứng
dụng CNC, trong đó 7.205 ha rau, 2.586 ha hoa; diện tích nhà kính 1.696
ha, nhà lưới 604 ha, màng phủ 3.318 ha, tưới tự động ngoài trời 5.289
ha… Ngoài ra, toàn tỉnh đã trồng mới 1.309 ha cà phê, cải tạo 3.100 ha
cà phê già cỗi bằng phương pháp ghép cành; trồng 250 ha chè cành cao
sản, 325 ha dâu, cải tạo 698 ha vườn điều tạp sang trồng ca cao, cây ăn
quả…
Việc ứng dụng CNC đem lại giá trị SX cao hơn nhiều so với canh tác
truyền thống, trong đó SX rau cao cấp đạt bình quân 400 triệu
đồng/ha/năm (gấp 2 lần so với mức bình quân chung), hoa cao cấp đạt bình
quân 800 triệu- 1 tỷ đồng/ha/năm (gấp 1,6 lần so bình quân chung). Toàn
tỉnh có 7 đơn vị được chứng nhận GlobalGAP, 10 tổ chức, cá nhân được
chứng nhận VietGAP, 1 đơn vị SX rau hữu cơ và 55 tổ chức, cá nhân SX rau
an toàn.
Cùng với rau, hoa, cà phê, chè đang là loại cây trồng có diện tích
lớn của Lâm Đồng. Theo thống kê, toàn tỉnh có 23.876 ha chè, trong đó
22.920 ha đang kinh doanh với năng suất chè búp tươi đạt bình quân
khoảng 85 tạ/ha, sản lượng thu hoạch đạt trên dưới 200.000 tấn/năm.
Từ năm 2004 chè đã được xác định là cây trồng chủ yếu của chương
trình ứng dụng NNCNC. Cuối năm 2004, UBND tỉnh đã có quyết định quy
hoạch vùng chè chất lượng cao tại TP Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc (nay là TP
Bảo Lộc), các huyện Bảo Lâm, Di Linh. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 4.837
ha chè cao sản, chè chất lượng cao trong vùng quy hoạch.
Trên địa bàn tỉnh còn có 22 DN nước ngoài và 11 DN trong nước đầu tư
trồng chè chất lượng cao với diện tích 1.361 ha, trong đó 113 ha chè
chất lượng cao của 20 đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận SX theo tiêu
chuẩn VietGAP…
Lâm Đồng đang tiếp tục đẩy mạnh thực
hiện chương trình NNCNC vào SX các loại cây, con đặc sản như rau, hoa,
chè, cà phê, bò sữa, cá nước lạnh… Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng đề
ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, diện tích được ứng dụng CNC chiếm
trên 10% tổng diện tích canh tác; giá trị SXNN bình quân trên 100 triệu
đồng/ha, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế NN-NT theo hướng CNH-HĐH,
tạo đà xây dựng NTM giàu đẹp, bền vững.Huyện Bảo Lâm là địa
phương có diện tích chè ứng dụng CNC lớn nhất với khoảng 1.450 ha chè
chất lượng cao và 700 ha chè cành cao sản do 19 DN và các hộ nông dân có
kỹ thuật, vốn… đầu tư, đã tạo bước đột phá khởi đầu cho nghề trồng chè
cao sản. TP Bảo Lộc cũng có nhiều vùng chuyên canh chè rộng lớn. Nông
dân, DN đã SX 600 ha chè chất lượng cao.
Qua khảo sát, cây chè giống mới hiện chiếm 36% diện tích chè của toàn
tỉnh; doanh thu từ chè chất lượng cao đã đạt từ 200-250 triệu
đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt từ 70-90 triệu đồng/ha, cao gấp 10 lần so với
SX các giống chè hạt truyền thống.
Sau 8 năm thực hiện chương trình ứng dụng NNCNC ở Lâm Đồng cho thấy
hiệu quả rõ rệt, năng suất, chất lượng sản lượng cây trồng chủ yếu đều
tăng khá. Năm 2003, bình quân giá trị SX nông nghiệp của tỉnh chỉ 27
triệu đồng/ha thì cuối năm 2011 đã đạt 80 triệu đồng/ha.
Tuy diện tích ứng dụng CNC chỉ chiếm 3% tổng diện tích canh tác,
nhưng đã đem lại từ 18-20% tổng giá trị SX nông nghiệp, góp phần chuyển
dịch cơ cấu kinh tế NN-NT, xây dựng nông thôn mới… Nhưng điều có ý nghĩa
hơn cả là chương trình đã giúp cho hàng ngàn hộ dân thoát nghèo và
nhiều hộ giàu lên, trở thành triệu phú, tỷ phú…
Theo Báo Nông Nghiệp