Translate

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Lên đỉnh núi thiêng đất Phật

Đoàn nhà văn Việt Nam trong những ngày lưu lại Chùa Phật Quốc Tử ở Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) như được sống trong khung cảnh thanh bình của một làng quê Việt Nam. Bước chân qua cổng Chùa tôi như lạc vào một khu vườn Việt với rất nhiều loại cây ăn trái như: Chuối, Xoài, Hồng, Đu đủ… và tiếng chim Cu Gáy gù, từng nhịp, tiếng kim, tiếng thổ nghe như vọng lại từ một thời xa lắc…
Cầu nguyện ở hương thất Đức Phật
Cầu nguyện ở hương thất Đức Phật

Thầy Nhuận Đạt - người trông coi chùa khi thầy Thích Huyền Diệu đi vắng là một người lịch lãm và giản dị. Tôi nhớ lại buổi đầu gặp thầy. Hôm đó chúng tôi ăn sáng xong đang ngồi uống trà ở bộ bàn ghế đá dưới giàn mướp hoa vàng thì thấy một người còn rất trẻ, vóc người nhỏ nhắn, mặc bộ quần áo bảo hộ lao động, đầu đội mũ len bước lại gần chào hỏi mọi người và ngồi xuống bàn ăn một bát mì tôm thật đơn giản. Đó là vị tiến sĩ Phật học tương lai chuẩn bị đi du học ở Pháp. Nhiều lần trong các cuốn sách của mình thầy Thích Huyền Diệu hay nhắc đến tình thương và lòng độ lượng: Sức mạnh và sự mầu nhiệm của cơ duyên mà thầy đã gặp trong chặng đường đời của mình. Thầy Nhuận Đạt kể rằng: Ngày thầy sang đây cũng là một cơ duyên, tình cờ gặp thầy Huyền Diệu và xin thầy ở lại nhà chùa. Sau đó được thầy Huyền Diệu cho đi học ở Trung Quốc, khi về trở lại chùa. Thầy Nhuận Đạt được thầy Huyền Diệu giao cho nắm toàn bộ tài chính, việc xây dựng chùa nhưng không bao giờ bị thất thoát. Trong những ngày ở Ấn Độ đoàn chúng tôi đi thăm các thánh địa liên quan đến cuộc đời Đức Phật, bao giờ người ta cũng buộc du khách để giày, dép bên ngoài bậc cửa. Thầy Nhuận Đạt có một cử chỉ mà đến bây giờ tôi vẫn còn ấn tượng: Thường, thầy là người ở lại sau cùng xếp mấy bộ giày, dép của chúng tôi thành một hàng ngang ngay ngắn với một câu nói thật vui vẻ: “Người Việt Nam ta bao giờ cũng đàng hoàng, chững chạc, chung một hàng ngũ”. Buổi tối thầy lên phòng của đoàn chúng tôi trò chuyện, đọc thơ và hát trong dãy nhà dành cho khách. Ở đây ba người được bố trí một phòng, đặc biệt là không có điều hòa và lắp nóng lạnh ở nhà tắm, mặc dù có điện. Ngoài góc vườn chùa có một chảo nước to đun sôi suốt ngày, ai tắm thì ra xách nước nóng về phòng mình. Trong phòng các cánh cửa và cửa sổ đều chăng lưới sắt dày chống muỗi. Khi đoàn đi đâu xa vài ngày tất cả hành lý đều được đưa ra để ngoài cửa phòng, không bao giờ bị mất. Các đoàn khách hành hương về đây ở trong nhà chùa phần đông là các Phật tử phụ nữ. Đến bữa họ tự nguyện xuống nhà bếp nấu các món ăn chay phục vụ chung cho cả nhà chùa.

Trong chương trình của đoàn chúng tôi có một điểm đến ai cũng háo hức là lên đỉnh núi thiêng Linh Thứu Sơn. Đỉnh núi linh thiêng này đánh dấu nơi Đức Phật thuyết giảng bộ kinh, Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa mà ngày nay thu hút rất nhiều người lạy và trì kinh Pháp Hoa, nơi đây nhiều khách hành hương đến viếng. Một điều làm cho chúng tôi tò mò là nhân vật nhà sư Huyền Trang Đường Tam Trạng trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Tây Du Ký” xưa kia cũng đã từng đến chiêm bái Linh Thứu Sơn và mô tả nơi này rất rõ trong bộ ký sự của mình. Chúng tôi thuê xe ô tô cùng thầy Nhuận Đạt đến núi thiêng cách chùa Phật Quốc Tử 80 cây số. Thầy Nhuận Đạt ngồi ghế trên tay lần chùm tràng hạt và thiu thiu ngủ thật an nhiên khi trở lại cõi Phật vô biên. Thầy mặc bộ quần áo nâu tu hành, đi đôi dép nhẹ mỏng, quàng trên lưng chiếc ba lô nhỏ trông thật nhanh nhẹn và đặc biệt nụ cười tươi tắn luôn thường trực giọng nói êm ả nhỏ nhẹ nhưng lại dí dỏm sâu sắc. Dưới chân dãy núi Linh Thứu Sơn là một bãi đất rộng để đỗ xe, có hàng quán ăn uống giải khát giống như dưới chân núi Yên Tử lên Thiền viện Trúc Lâm. Có một điều tôi nhận ra rằng ở quanh các di tích liên quan đến cuộc đời Đức Phật dân rất nghèo. Ở đây có rất nhiều người làm đủ các thứ dịch vụ, cũng có cảnh chèo kéo khách mua quà lưu niệm, có cả người tàn tật lê lết bên đường ăn xin, nhưng cư xử của họ vừa phải, chỉ cần khéo léo chối từ là họ buông bám một cách vui vẻ. Ở đây cũng có dịch vụ đổi tiền với những tập tiền mệnh giá nhỏ in hình Thánh Cam Địa (Mahat gandho) nhưng hầu khắp di tích không thấy ai đem tiền rải lung tung trong nơi thờ tự hay trên tượng thờ. Thật ngẫu nhiên ở đây tôi bắt gặp một chàng trai Ấn Độ gầy, nhỏ đang sử dụng chiếc xe lôi làm phương tiện kiếm sống, trên đó mang dòng “Lạc khoản”: Quà từ thiện từ Việt Nam kèm danh tính của một người họ Phạm. Anh bạn trẻ người Ấn biết có đoàn Việt Nam liền chỉ vào cái biển có chữ “Lạc khoản” và nở nụ cười rất thánh thiện. Người Ấn Độ rất hay cười. Nụ cười tươi tắn như đóa hoa trắng nở trên gương mặt Ấn đặc trưng có nước da nâu bóng và sống mũi thẳng với đôi mắt sâu, xanh vừa mơ mộng vừa đắm đuối.
Ngày trước thầy trò Huyền Trang phải mất 17 năm (629 - 645) mới từ Tràng An kinh đô đời Đường bên Trung Hoa đến Tây Trúc thỉnh kinh đã lưu lại đỉnh núi thiêng Linh Thứu Sơn này 6 tháng. Con đường dẫn lên núi được xây nhiều bậc đá đi lại trăm thước lại có nền tháp cũ đánh dấu địa điểm ngày xưa nhà vua xuống kiệu và tự đi bộ lên núi Linh Thứu Sơn vấn an Đức Phật. Qua khỏi nơi này khoảng 400m có một nền cũ của tháp treo bảng ghi: “Đây là chỗ nhà vua kêu đoàn tùy tùng rút lui để một mình lên diện kiến Đức Phật”. Thầy Nhuận Đạt bảo đoàn chúng tôi dừng chặng nghỉ chân ở giữa quãng đường leo núi có một khoảng đất vuông vắn xây bờ tường thấp cho khách ngồi nghỉ giải lao và thầy mua một túm quả nhỏ như những quả táo xanh chia cho mọi người. Vị chát hơi chua tan dần trong miệng xua đi cái oi nồng của thời tiết. Thứ quả này tôi không biết tên nhưng nghe nói được trồng nhiều dọc đường lên đỉnh núi thiêng và dân cư ở đây hái bán cho khách qua đường. Chúng tôi cũng đã dừng chân chiêm bái các động thiền định của những đại đệ tử Đức Phật như An Nan, Đại Ca Diếp, Xóa Lợi Phất … ngày nay vẫn còn lại những cửa động bằng đá mà nhiều Phật tử đến hành hương giát vàng lấp lánh. Thường, các vòm hang rất thấp bên trong có tượng và bàn thờ Phật người vào phải cúi khom lưng. Tôi gặp ở đây nhiều hang động rất giống hang Khổ Hạnh Lâm mà Đức Phật từng ngồi tọa thiền khi chưa giác ngộ. Trong các hang này có những ngọn nến lung linh soi lên vách hang ám khói màu đen. Nhờ thầy Nhuận Đạt biết tiếng Hin - đi nên hướng dẫn cho chúng tôi khi tiếp xúc với người Ấn trông có vẻ như đang canh giữ các cửa hang này không thì cũng rất phiền toái, bởi các phong tục lạ lẫm đôi khi phải giải quyết bằng đồng tiền Ru - bi mệnh giá nhỏ nhưng với người dân nghèo ở đây đã là một tài sản quan trọng với họ. Tới một ngã ba trên chặng đường gần đến đỉnh Linh Thứu Sơn, thầy Nhuận Đạt kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện sát hại Đức Phật không thành. Ở chốn ngã rẽ đó có một con đường đâm thẳng qua dãy núi dẫn lên hương thất Đức Phật. Lần đó Đề Bà Đạt Đa liên kết với những thế lực khác tìm cách mưu hại Phật. Hai thích khách được thuê lên núi giết ngài, nhưng khi đặt chân tới hương thất mấy lần họ rút gươm ra rồi lại tra vào vỏ không sao đang tâm hạ thủ. Cuối cùng hai người đặt gươm kề bên nơi Phật đang ngồi tọa thiền cung kính cúi lạy ngài và ôm mặt khóc. Những người này thú thật được thuê đến đây giết Phật nhưng không thể ra tay vì cảm nhận sức mạnh tình thương của Đức Phật lan tỏa quá lớn. Đức Phật an ủi họ rằng ở đời ai cũng có lúc sai lầm nay họ đã ăn năn hối cải thì mọi tội lỗi đều được bỏ qua. Ngài lại ân cần dặn dò khi trở xuống đừng theo con đường cũ bởi vì nếu thấy họ ra về tay không thì những kẻ thuê mướn sẽ thủ tiêu ngay. Hai người này nghe theo lời Phật và khi xuống tới ngã ba thay vì đi đường cũ họ rẽ sang đường khác. Đoàn chúng tôi lên đến đỉnh núi thiêng phải đi dưới những chùm dây chăng cờ phướn đủ các sắc màu, nhiều nhất vẫn là ngũ sắc. Những lá cờ hình chữ nhật trên đó có chép những câu kinh nhà Phật bay phần phật trong gió. Hương thất Đức Phật trên đỉnh Linh Thứu Sơn là một khu đất bằng hình chữ nhật, xung quanh xây dựng lớp gạch đỏ cao khoảng 1 m. Ở giữa có một trụ đứng cũng xây bằng gạch để cho các đoàn khách đặt đồ lễ thờ. Hàng gạch xây có trổ cửa khoảng 2m để khách hành hương đi vào trong làm lễ. Nền hương thất cũng lát bằng gạch đất đỏ nung.
Tác giả cùng thầy Nhuận Đạt
Tác giả cùng thầy Nhuận Đạt
Trên đỉnh núi thiêng thật lộng gió, nhìn khắp bốn phía không khí an lành. Gần đó có một cửa hang xuyên sâu vào lòng núi. Chúng tôi theo thầy Nhuận Đạt đi vòng quanh hương thất Đức Phật bảy vòng hai tay chắp cung kính cầu nguyện tâm hồn thật thanh thản. Trên đỉnh núi thiêng thầy Nhuận Đạt lấy trong ba lô nhỏ của mình cho mỗi người một vòng tràng hạt nhỏ như vòng cườm đeo vào cổ tay thật xinh xắn. Riêng nhà thơ nữ Đặng Thị Thanh Hương duy nhất trong đoàn được thầy tặng thêm một vòng, một cử chỉ văn hóa thật lịch lãm và rất Á Đông. Chúng tôi thắp hương trầm khẩn nguyện. Ở Ấn độ có một loại hương trầm đặc biệt. Cây hương xe bằng bột trầm chứ không có lõi tre bên trong. Hương màu đen và hương vàng rất thơm cháy đến tận gốc mà không gãy không tắt, hương trầm thoang thoảng mà ta có cảm giác nếm được vị ngọt nữa. Tôi không ngờ vị Đức Phật lại tọa thiền ở một nơi hoang vắng quá đơn giản thế này. Ở đây không một mái che, không một nét hoa văn chạm trổ. Cạnh đó là những tảng đá phẳng như mời chúng tôi ngồi lên đó tọa thiền. Khi lên đến đỉnh núi thiêng tôi có cảm giác tâm trí mình thật thanh thản lạ lùng, người cứ nhẹ nhõm như trôi bềnh bồng. Trên vòm hang ở nơi này có rất nhiều Khỉ. Những chú Khỉ vươn tay nhặt quà của khách hành hương cho thật thân thiện và gần gũi. Tôi lại liên tưởng đến hình ảnh Tôn Ngộ Không trong “Tây Du Ký”. Phải chăng hình ảnh những chú Khỉ lông vàng này đã gợi cho tiểu thuyết gia Ngô Thừa Ân sáng tạo hình ảnh Tề Thiên Đại Thánh thật sinh động. Khi xuống đến chân núi Thầy Nhuận Đạt mời mọi người thưởng thức món bánh mì Ấn Độ áp chảo nướng bằng độ nóng của ngọn lửa với một thứ nước xúp bột Ca-Ri đặc trưng của món ăn Ấn Độ trong một quán hàng bình dân. Thầy gọi hai loại bánh: Bánh mì trắng và bánh mì đèn. Mì trắng dẻo hơn, ngon hơn và dĩ nhiên là đắt hơn. Thầy ăn bánh mì đen trước khi chuyển sang mì trắng, thầy bảo: Đời người trước khổ sướng sau mới hay, ăn cái không ngon trước đến khi ăn cái ngon mới thấy thú vị, ngược lại thì mì đen sẽ thừa ra rất lãng phí. Ăn xong thầy rủ đoàn nhà văn chúng tôi sang tắm nước nóng ở nhà tắm công cộng gần đó, một cái nhà tắm lộ thiên to xây tầng bậc có nhiều tầng khác nhau, đổ từ khe núi nước nóng xuống.
Thầy Nhuận Đạt giải thích tầng lớp thượng lưu được tắm ở ngăn ô trên cùng đầu nguồn suối nước nóng, dĩ nhiên là vé vào cửa cũng đắt hơn. Phía dưới cùng là một cái hồ cho dân nghèo tắm tự do không mất tiền. Thì ra xã hội Ấn Độ vẫn đang còn tồn tại các tầng lớp thứ bậc phân chia giàu nghèo khá rõ. Một điều kỳ lạ tôi thấy ở các nơi còn lưu giữ các dấu tích của Đức Phật ít có cảnh thu tiền vé quá cao. Khi vào thăm viếng cũng ít có hòm công đức như ở các đền chùa bên ta. Có những nơi du khách tự nguyện bước vào không có người soát vé. An ninh ở đây dường như là một sự tự giác. Tuyệt đối không có hàng quán bán các loại bia rượu, giải khát có cồn. Con người Ấn Độ điềm đạm, lặng lẽ và trông đôi mắt của họ tôi thấy cả sâu thẳm Đức tin. Hình như đôi mắt ấy lúc nào cũng nhìn lên như có chút gì vô vọng hơn là khát vọng, nhìn về đỉnh núi thiêng Linh Thứu Sơn với một sự an nhiên điềm tĩnh, họ đang sống bằng nội tâm với cả một bề dày lịch sử mà không cần phải tô điểm, khuếch đại. Có một ngọn Linh Thứu Sơn ngày trong tâm linh của họ…
Bút ký: NGUYỄN NGỌC PHÚ
Theo nguồn: http://baolamdong.vn/vhnt/201309/len-dinh-nui-thieng-dat-phat-2271972/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét