Translate

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Nỗi lo về thu hoạch và bảo quản cà phê


(LĐ online) - Tháng 10, nông dân vùng Tây Nguyên đang bắt đầu cho vụ thu hoạch cà phê mới. Khác với những năm trước, từ 2012, nhờ triển khai dự án bảo quản và chế biến cà phê nên vùng cà phê Lâm Đồng đã được cải thiện một bước về vấn đề sân phơi nói riêng và bảo quản nói chung. Tuy nhiên, cho đến lúc này - khi vụ thu hoạch cà phê 2013 sắp bắt đầu, việc chất lượng cà phê nhân Lâm Đồng bị giảm sút do thu hoạch và bảo quản (sân phơi, kho bãi…) vẫn đang còn là vấn đề rất “nóng”.
Sân phơi đang là nỗi lo của nhà nông vùng cà phê Lâm Đồng
Sân phơi đang là nỗi lo của nhà nông vùng cà phê Lâm Đồng

Trước hết, nói về khâu thu hái: Tỷ lệ trung bình có đến 30% quả xanh và 10% quả vừa chín tới vẫn được thu hái như trong thời gian vừa qua là vấn đề rất đáng bàn ở vùng cà phê Lâm Đồng. Cùng đó, về sân bãi, theo tiêu chuẩn thì Lâm Đồng còn đến những trên 50% sản phẩm cà phê sau thu hái được phơi phóng trên các loại sân bãi không đảm bảo; trong đó, có một lượng lớn cà phê được phơi trên sân đất hoàn toàn. Bởi vậy, theo khảo sát của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, từ 2010 trở về trước, chất lượng cà phê Lâm Đồng bị giảm sút từ 10% - 12%; vài năm gần đây, tình hình tuy có được cải thiện nhưng tỷ lệ này vẫn còn khá cao - trên dưới 7%.

Tại một hội thảo về triển vọng cây cà phê Việt Nam do ICO (Tổ chức Cà phê thế giới) và Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam tổ chức mới đây, một vài số liệu được công bố khiến nhiều người quan tâm: Từ năm 2010 trở về trước, so với các tiêu chuẩn thế giới thì chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam không đảm bảo chiếm đến 75%; trong đó, sản lượng bị thải loại chiếm đến 10%. Vài năm gần đây, tỷ lệ cà phê không đạt chuẩn là trên dưới 50% (khiến cho cà phê Việt Nam thường thấp giá hơn so với mặt hàng cùng chủng loại của các nước khác) và 7% bị thải loại.

Với diện tích 140.000ha và sản lượng 350.000 tấn mỗi năm, vùng cà phê Lâm Đồng tuy đứng thứ hai trong cả nước (sau Đắc Lắc) nhưng vẫn được xác định là một trong những vùng cà phê trọng điểm của quốc gia và có đóng góp rất đáng kể vào hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng (Sở NN-PTNT) cho biết: Việc triển khai thực hiện đề án “Bảo quản và chế biến cà phê giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020 ở Lâm Đồng” bước đầu mang lại kết quả đáng mừng là đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng cà phê Lâm Đồng. Trong năm 2012 vừa qua, từ dự án này, đã có 3 lớp tập huấn (150 lượt hộ trồng cà phê tham gia) về kỹ thuật thu hái và bảo quản cà phê đã được mở ở những vùng trọng điểm cà phê của Lâm Đồng là các huyện Lâm Hà, Bảo Lâm và Di Linh.

Cùng đó, Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng cũng đã xây dựng được một số mô hình thử nghiệm về thu hoạch và bảo quản cà phê tại các hộ nông dân vùng cà phê trọng điểm; đồng thời, một số nội dung kỹ thuật về sử dụng bạt cải tiến để phơi cà phê cũng đã được truyền đạt đến các hộ nông dân. Năm 2013 này, ngoài các nội dung như năm 2012, đề án bảo quản và chế biến cà phê ở Lâm Đồng với nguồn vốn 2,2 tỷ đồng còn hướng đến việc xây dựng lò sấy cà phê đạt chuẩn quy mô hộ gia đình, đầu tư xây dựng kho chuyên dụng quy mô lớn cho từng cụm hộ (tiêu chuẩn 5ha cà phê trở lên) hoặc trang trại gia đình với tiêu chuẩn kỹ thuật mỗi kho có sức chứa khoảng 40.000 - 50.000 tấn cà phê nhân…

Tuy nhiên, dự án chỉ mới được triển khai năm thứ hai (2012, 2013) nên vẫn còn không ít chuyện đáng bàn. Dẫu vậy, con số trên dưới 2 tỷ đồng mà tỉnh Lâm Đồng bỏ ra mỗi năm để thực hiện dự án sẽ là con số không quá lớn nếu tỷ lệ nêu trên được kéo xuống thấp hơn nữa!
Khắc Dũng
Theo nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/201310/noi-lo-ve-thu-hoach-va-bao-quan-ca-phe-2276872/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét