Trong
thời gian từ năm 2010 - 2012, do giá cả bấp bênh, nông dân trồng chanh
dây ở Bảo Lâm “dở khóc, dở cười”. Nhưng giờ đây, cây chanh dây đang dần
được phục hồi và mang lại thu nhập cho người nông dân.
Chanh dây ở Bảo Lâm |
Từ một huyện trồng khá nhiều cây chanh dây, cách đây 2 năm, bài học về cây chanh dây vẫn chưa “nguôi ngoai” đối với nhiều hộ dân ở Bảo Lâm. Đầu năm 2009, thời điểm giá chanh dây đạt “đỉnh” từ 10-12 ngàn đồng/kg, cũng là lúc người dân ở Bảo Lâm “đổ xô” trồng chanh dây. Nhưng, vào đầu năm 2010, chanh dây rớt giá mạnh, khiến người dân chịu cay đắng từ loại cây trồng này. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) huyện Bảo Lâm, vào thời điểm chanh dây rớt giá, toàn huyện có khoảng 350 ha. Phần lớn diện tích này, do người dân tự phát trồng, khi chưa có một doanh nghiệp nào đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Đệ, một người trồng chanh dây ở Bảo Lâm, cho hay: “Thấy người ta trồng chanh dây có lãi, gia đình tôi cũng vay mượn hơn 100 triệu đồng để trồng chanh dây. Ai ngờ, sau một năm, khi vườn chanh dây của gia đình bắt đầu có thu cũng là lúc rớt giá đột ngột xuống mức 500 - 1.000 đồng/kg, mà bán cũng không ai mua. Vì thế mà gia đình tôi “ôm” một khoản nợ ngân hàng phải trả hơn 3 năm mới hết. Vừa qua, gia đình đã trồng lại 1 ha. Lần này, tôi đã ký hợp đồng với công ty nên có phần an tâm hơn”.
Chanh dây trồng ở Bảo Lâm có thể đạt năng suất từ 60 - 80 tấn/ha/năm và tuổi thọ của nó kéo dài tới 6 năm. Hiện, giá chanh dây từ 13 - 15 ngàn đồng/kg. Lý do này đã “khiến” nông dân Lộc Thắng, B’Lá, Lộc Tân, Lộc Ngãi, Lộc Nam, Lộc Thành… lại bắt đầu “đua nhau” trồng chanh dây. Song, số vốn đầu tư trồng chanh dây là không hề nhỏ. Để trồng 1 ha chanh dây, họ phải đầu tư khoảng 160 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc.
Ông Đậu Văn Xuân, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Bảo Lâm, cho biết: “Trên thực tế, hiện nay, chúng tôi chưa thể thống kê được diện tích chanh dây mà người dân trồng lại trên địa bàn huyện. Nhưng, thực tế cho thấy cây chanh dây đang dần phục hồi trở lại. Song, tất cả những diện tích chanh dây đã cho thu hoạch và trồng mới, nông dân trồng một cách tự phát, vì huyện chưa có định hướng, quy hoạch rõ ràng. Để tránh những rủi ro về giá cả, chúng tôi cũng đã khuyến cáo với người dân không nên phát triển diện tích chanh dây ồ ạt như trước”.
Ông Võ Xuân Hạnh, chủ một đại lý thu mua chanh dây tại thị trấn Lộc Thắng, cho biết: “Từ đầu năm 2013 đến nay, khi Công ty Trường An (trụ sở đóng tại thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng) ký hợp đồng thu mua chanh dây với chúng tôi thì diện tích chanh dây trên địa bàn huyện đã nhanh chóng tăng lên. Toàn huyện, chúng tôi ước đoán đã có khoảng 100 ha chanh dây. Trong đó, diện tích đã cho thu hoạch có khoảng 25 ha, còn lại là diện tích mới được trồng…”.
Được biết, Trường An là công ty duy nhất có nhu cầu phối hợp với người dân để phát triển nghề trồng chanh dây ở Bảo Lâm. Công ty này hiện có trên 9 đại lý thu mua chanh dây đóng tại 3 huyện là Bảo Lâm, Di Linh và Lâm Hà. Sau khi thu mua, chanh dây được công ty này đem gia công, cô đặc và xuất khẩu qua 2 thị trường Ecuador và Pháp. Ngoài việc ký hợp đồng thu mua với các đại lý, công ty còn có nhu cầu ký hợp đồng với các nhà vườn để bao tiêu sản phẩm và cung cấp giống cho họ. Trong hợp đồng, công ty cam kết “Nếu trường hợp có rủi ro về giá cả, họ vẫn thu mua cho nhà vườn với giá thấp nhất là 7.000 đồng/kg”.
Sự “hồi sinh” của cây chanh dây là “tín hiệu” vui đối với người nông dân ở Bảo Lâm. Nhưng, đây chỉ là “chạy” theo giá cả thị trường mà thôi. Để cây chanh dây của huyện phát triển ổn định, thì nhất thiết cần có định hướng của các ngành chức năng và chính quyền địa phương.
KHÁNH PHÚC
Theo nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/201310/bao-lam-phuc-hoi-cay-chanh-day-2276650/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét