Translate

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Nét độc đáo của tượng nhà mồ và lễ bỏ mả của các dân tộc bản địa Tây Nguyên

Lễ bỏ mả cho những người đã khuất mặc dù là lễ hội được tổ chức sau cùng trong năm nhưng đối với các dân tộc Tây Nguyên như Bana, Giarai, Êđê, Mnông,… lại là lễ hội có quy mô nhất, dài ngày nhất và có nhiều đặc trưng văn hóa nhất so với tất cả các lễ hội khác của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Lễ thường được diễn ra vào mùa xuân tại các nghĩa địa của buôn làng.
 
 Các nghệ nhân Tây Nguyên đang tạc tượng
Các nghệ nhân Tây Nguyên đang tạc tượng

Trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có rất nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn của vùng miền, của dân tộc, tiêu biểu như lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà mới, cúng ruộng, cầu mùa, lễ bỏ mả v.v… Thường sau khi mùa màng đã thu hoạch xong và lúa đã về kho, người Tây Nguyên mới thực sự nghỉ ngơi, rảnh rỗi để sinh hoạt, vui chơi và để tiến hành những lễ hội của mình. Lễ bỏ mả cho những người đã khuất mặc dù là lễ hội được tổ chức sau cùng nhưng đối với các dân tộc Tây Nguyên như Bana, Giarai, Êđê, Mnông, Raglai lại là lễ hội có quy mô nhất, dài ngày nhất và có nhiều đặc trưng văn hóa nhất so với tất cả các lễ hội khác của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Lễ thường được tổ chức vào mùa xuân tại các nghĩa địa của buôn làng.

Nhiều dân tộc ở Tây Nguyên quan niệm rằng: chỉ khi nào tổ chức xong lễ bỏ mả thì hồn ma mới thực sự trở về với ông bà, tổ tiên của mình để bắt đầu một "cuộc sống" mới ở thế giới bên kia và cũng kể từ đây mối quan hệ giữa người     sống với người chết mới không còn. Để chuẩn bị cho lễ bỏ mả, ngoài việc sửa sang nhà mồ, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, rượu cần thì việc tạc tượng để đặt ở nhà mồ là một việc làm quan trọng không thể thiếu trong khâu chuẩn bị của nghi lễ này. Tượng nhà mồ thường được làm bằng những loại gỗ quý như: gỗ hương, gỗ cà chít, có thể chịu được mưa nắng qua nhiều năm ở ngoài trời (Những cây hương, cà chít này phải trên 10 năm tuổi mới đủ tiêu chuẩn để làm tượng). Trước khi tạc tượng, người ta phải cúng thần nhà, thần bến nước để xin phép.

Theo lời kể của các già làng thì việc người ta tạc tượng đặt ở nhà mồ là xuất phát từ hai truyền thuyết của người bản địa nơi đây. Một truyền thuyết kể rằng ngày xưa các vị tù trưởng giàu mạnh của các dân tộc Tây Nguyên khi chết đều chôn theo người để hầu hạ nhưng đến thời gian sau họ dùng gỗ làm hình nhân thay thế cho người sống. Còn truyền thuyết khác kể về một cô gái nổi tiếng xinh đẹp, siêng năng lại hát hay, múa khéo nhất vùng nên được rất nhiều chàng trai thầm yêu, trộm nhớ. Nhưng chẳng may cô gái bị mất đột ngột và có một chàng trai vì quá đau buồn nên đã ngồi khóc bên mộ nàng. Sau đó chàng trai chết và hóa thành tượng gỗ ngồi canh giữ và trò chuyện với nàng hàng ngày.

Các truyền thuyết trên đều muốn nói lên nỗi niềm thương nhớ người đã mất một cách chân thành mãnh liệt của những người đang sống. Vì vậy mà họ đã tạc những pho tượng với nhiều hình hài, tư thế khác nhau để hàng ngày ngồi đó tâm sự cho người thân đỡ buồn và giúp gìn giữ phần mộ sau khi đã làm lễ bỏ mả.

Tượng nhà mồ của người Tây Nguyên đã tái hiện cuộc sống thật của họ một cách sinh động, phong phú. Tượng thiên về thể hiện mảng khối chứ không chú tâm vào từng chi tiết. Tư thế cũng như thần thái của tượng được thể hiện rất tự nhiên và thực sự ấn tượng hơn khi người ta tô điểm cho nó bằng các màu sắc xanh, đỏ, đen, vàng, trắng… được tạo bởi những nguyên liệu lấy từ trong thiên nhiên như rễ, vỏ và lá cây rừng cùng với than củi, máu của những con vật dùng để hiến sinh…

Các dạng tượng nhà mồ thường thấy ở đây là sự diễn tả tính phồn thực như cảnh giao phối âm dương, bào thai trong bụng mẹ, bụng mang dạ chửa…; những con vật gần gũi với người như voi, ngựa, trâu, bò,… hoặc tả cảnh đời sống sinh hoạt của người Tây Nguyên như: săn bắn, bế con, lấy nước, người ngồi khóc, người đánh trống, chiêng,… Một số loại tượng tiêu biểu của nhà mồ như: Tượng phụ nữ đứng của người Êđê thể hiện cảnh một người phụ nữ đang đứng với hai tay buông thõng, để ngực trần và chỉ mặc chiếc váy ngắn. Váy được sơn màu đen, với một khuôn mặt phúc hậu và ánh mắt u buồn nhìn vào khoảng không xa xăm như đang suy nghĩ đăm chiêu về một điều gì đó. Trên cột dưới chân tượng vẽ các dải hoa văn hình tam giác xếp chồng lên nhau rất độc đáo. Đây là một nét đặc trưng của dân tộc Êđê. Tượng thể hiện sự buồn bã, nhớ thương con của người mẹ. Tượng con công là loại tượng rất phổ biến nó thường được đặt trên tất cả các ngôi mộ. Theo quan niệm của đồng bào Tây Nguyên thì tượng được làm với ý nghĩa để khóc thương người chết. Tượng con cò được làm để coi như một người bạn giúp cho người chết được vui vẻ ở thế giới bên kia. Tượng mặt trăng non thể hiện cho ước mơ tốt đẹp về một cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc, thường được đặt trên nóc nhà và cũng tượng trưng cho sự bắt đầu và phát triển. Tượng ngựa tung vó được thể hiện với tư thế hai chân trước co lên, hai chân sau chống đất, đầu nhìn thẳng về phía trước, hai tai dựng đứng lên, cổ dài, miệng há rộng. Tượng muốn diễn tả uy quyền và ước vọng tự do tự tại giữa đất trời. Tượng gong kut (nồi đồng) dùng để chôn ở hai góc trước nhà mồ. Tượng thể hiện cho sự giàu có. Tượng gong Klao (biểu tượng chim thần) dùng để chôn hai góc phía sau nhà mồ của những người giàu có. Và Tượng gong Klao (biểu tượng người) dùng để chôn hai đầu trước và sau nhà mồ của những người giàu có.

 Trong kiến trúc nhà mồ, ngoài việc tạc tượng, nghệ nhân thường chú ý tới các cột gưng (biểu tượng ở các nhà mồ) và những hình vẽ trên nóc nhà mồ. Họ trang trí rất cầu kỳ và cẩn thận như các cột gưng của dân tộc Êđê ở tỉnh ĐắcLắc, của dân tộc Gia Rai ở tỉnh Gia Lai.

Tượng nhà mồ là những tác phẩm nghệ thuật dân gian độc đáo mang đậm màu sắc văn hóa rất riêng của các dân tộc Tây Nguyên. Chúng vừa là những tác phẩm nghệ thuật, vừa mang ý nghĩa tâm linh nhưng không hề có cảm giác cách biệt mà trái lại, rất gần gũi, thân quen với mọi người. Chúng chứa đựng nhiều thông tin mang tính xã hội, cộng đồng sâu sắc. Đồng thời cũng thể hiện sự cảm nhận thế giới và quan niệm sống của những người dân bản địa nơi đây với cách nhìn, cách nghĩ riêng của họ. Đây cũng là những di sản văn hóa độc đáo của Tây Nguyên mà chúng ta cần phải gìn giữ, bảo tồn và giới thiệu quảng bá với du khách trong và ngoài nước khi tới du lịch ở vùng đất này.
ĐOÀN BÍCH NGỌ
Theo nguồn: http://baolamdong.vn/vhnt/201310/net-doc-dao-cua-tuong-nha-mo-va-le-bo-ma-cua-cac-dan-toc-ban-dia-tay-nguyen-2275712/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét