Hội chợ sách mùa thu |
VH- Tại cuộc họp báo công bố kế hoạch tổ chức Ngày sách Việt Nam
năm 2014 hôm 11.4 vừa qua, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In
và Phát hành (Bộ TT&TT) cho biết: “Ngày sách Việt Nam lần đầu tiên
sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 19-21.4 với chuỗi hoạt động
hấp dẫn, bổ ích và là ngày hội của toàn dân”.
Mở đầu cho chuỗi hoạt động này là Lễ công
bố Quyết định của Thủ tướng diễn ra tại Quảng trường tượng đài Vua Lý
Thái Tổ vào 20h ngày 19.4 và được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền
hình HN. Tiếp đến là các hoạt động như: Tổ chức đường sách với các gian
hàng giới thiệu sách, giao lưu, tọa đàm, kể chuyện theo sách, tổ chức
bình thơ, văn, thi vẽ tranh, thi xếp sách nghệ thuật, quyên góp sách
tặng trẻ em nghèo…
Bộ VHTTDL cũng sẽ tổ chức Ngày hội sách và Văn hóa
đọc năm 2014 tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử
Giám và Thư viện Quốc gia VN.
Theo đó, với chủ đề “Sách-chìa khóa thành công”,
trong hai ngày 19-20.4, tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn
Miếu- Quốc Tử Giám sẽ diễn ra các hoạt động như: Triển lãm sách, tư liệu
với nhiều chủ đề 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập
Quân đội nhân dân Việt Nam, chủ quyền biển đảo…; trình diễn thơ và văn
xuôi; thi xếp sách nghệ thuật; quyên góp sách tặng cho thư viện các xã
xây dựng nông thôn mới; chương trình đổi sách in lấy sách điện tử…
Tại Thư viện Quốc gia, Ngày hội sách năm 2014 với
thông điệp “Sách - Từ quá khứ đến đương đại” sẽ diễn ra từ ngày 20-26.4
với các sự kiện: Triển lãm giới thiệu lịch sử tư liệu Việt Nam được viết
tay trên lá cây, in, khắc trên đá, gỗ, đồng, các sách in hiện đại, sách
đoạt các giải thưởng sách, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hội Nhà
văn Việt Nam.
Trong dịp này, Thư viện Quốc gia sẽ ra mắt cuốn sách
được mô phỏng nguyên mẫu từ bản gốc bằng đồng, 18 trang, khắc chữ Nôm,
nội dung ghi lại lời tựa bài Ngự chế do vua Minh Mạng viết trong tiết
Nguyên đán tháng Giêng năm Minh Mệnh thứ IV (1824) về dòng họ Nguyễn
hoàng tộc, sửa và bổ sung ngày 7.12 năm Tự Đức thứ XIII (1860). Bộ sách
quý này đang được lưu tại Thư viện Bang Bavaria, Cộng hòa Liên bang Đức,
Viện Goethe tại Việt Nam tài trợ cho Thư viện Quốc gia in sao và phục
chế nguyên mẫu từ bản gốc.
Có thể thấy, việc lấy ngày 21.4 hằng năm là Ngày sách
Việt Nam tuy muộn nhưng thực sự cần thiết, nhằm động viên khuyến khích
tinh thần đọc của người Việt, nâng cao nhận thức vai trò, tầm quan trọng
của sách.
Đánh giá về tầm quan trọng của Ngày sách VN. GS Sử
học Lê Văn Lan khẳng định, tổ chức Ngày sách Việt Nam là cách để cứu văn
hóa đọc, hay nói đúng hơn là cứu nền văn minh đọc và nghĩ của dân tộc
ta. Chính vì thế, ngay lần đầu tiên này, chúng ta phải tạo ra được “cú
hích” có sức mạnh đủ để làm chấn động, rung chuyển sự lãng quên văn hóa
đọc tồn tại bấy lâu nay.
Đơn cử như sự thành công của Hội chợ sách TP Hồ Chí
Minh vừa qua, khi các nhà xuất bản tung ra một cách ồ ạt hàng triệu bản
sách đã gây chú ý cho độc giả, khiến những người mê sách ngỡ ngàng. Vậy
nên, cú đánh đầu tiên này phải đủ nặng mới có giá trị tạo ra truyền
thống về mặt cách làm cho những năm tiếp theo. Vì đây là công việc hằng
năm, trường kỳ không thể “đánh trống bỏ dùi”.
Thanh Ngọc
Nguồn: http://www.baovanhoa.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét