Xin giới thiệu bài viết của nhạc sĩ Dương Thụ cho chuyên mục này.
Tôi là con mọt sách
Cuộc sống thật vất vả, khốn khó, có cả những đắng cay
tủi nhục do thân phận, do thời thế, nhưng tôi không khi nào rời sách. Cứ
sống như thế, cứ đọc như thế, một quá trình “ngược” đã diễn ra: tôi đã
“đọc” những gì tôi đang sống. Tôi hiểu ra nhiều điều, dần dà tự biết
mình là ai...
Học đến lớp nhất (tương đương lớp cuối cấp I) tôi đã
đọc hết các tác phẩm của nhóm Tự Lực văn đoàn, chẳng thiếu cuốn nào. Với
Khái Hưng thậm chí còn thuộc lòng nhiều đoạn trong Nửa chừng xuân, Tiêu Sơn tráng sĩ, Anh phải sống...
Với Thạch Lam cũng thế. Và cũng không phải chỉ có thế.
Hầu hết những tác phẩm được viết ra trong thời tiền chiến tôi đọc không
bỏ sót cuốn nào (trừ thơ). Và còn sách mà ông cụ tôi cho là nhảm nhí
(trinh thám, kiếm hiệp, và cả cuốn Quán gió của Ngọc Giao mà cụ bảo là sách khiêu dâm) cũng đọc tuốt.
Lớn hơn một chút, học đến trung học bắt đầu đọc sách
dịch những tác phẩm cổ điển của nền văn học Pháp, Nga - Xô viết, Anh,
Đức, Trung Quốc, các tác phẩm cổ điển của văn học VN, đọc nghiến ngấu và
nuốt trôi cả một lượng sách khổng lồ.
Đến những năm cuối trung học tôi bắt đầu mê sách lý
luận văn học, sách khảo cứu lịch sử, sách triết. Sách thì đi mượn, sách
cũ mua về hoặc vào thư viện đọc.
Tôi phải tự kiếm sống để có tiền đi học nên ngoài giờ
học còn phải bù đầu vào việc làm thuê, chỉ tranh thủ đọc về đêm, thường
là tới 1, 2 giờ sáng. Nhân chuyện đọc sách đêm, tôi nhớ năm theo ông cụ
tôi về quê (1954-1955) tôi phải đọc sách lén.
Ban ngày làm việc nhà, chỉ có tối nhưng cụ bắt ngủ sớm
chẳng có cách nào đọc sách được. Ông cụ tôi rất khắt khe, làm trái lời
ăn đòn liền
Cụ đã bảo đi ngủ thì phải trèo lên giường và phải nằm
ngay bên cạnh để cụ có thể kiểm soát. Tôi giả vờ ngủ, rình đến khi cụ
ngáy mới len lén bò dậy ôm cuốn sách với cây đèn dầu, chuồn ra ngõ nơi
để cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm, nạy nắp lên chui vào trong đó, rồi đậy
nắp lại để cho ánh sáng khỏi lọt ra, chỉ chèn cái cá gỗ cho có khe hở để
thở. Khêu đèn, đọc một mạch cho đến 4 giờ sáng, rồi lại lẻn về giường
trước lúc cụ thức giấc.
“Mọt” cỡ đấy. Nhưng “mọt” sách gì? Sách gì cũng “mọt”
hết như tôi đã kể. Mãi đến lớp 10 (tương đương lớp 12 bây giờ) mới bắt
đầu “mọt” có ý thức. Tôi đọc để trả lời hàng đống câu hỏi mà cuộc sống
của một kẻ như tôi luôn đặt ra, những câu hỏi vừa cụ thể vừa siêu hình
của một ông “cụ non” ở tuổi “ăn kem” nhưng vẫn thích nhấp từng ngụm cà
phê đắng nghét, dù vừa nhấp vừa nhăn mặt.
Tôi đọc kinh Phật (bị mê hoặc bởi kinh Thủ Lăng Nghiêm), đọc Lão Tử và Đạo đức kinh, Kinh Dịch (bản chú giải của cụ Ngô Tất Tố), Đọc Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim... Lão Tử thì hiểu lờ mờ, còn Kinh Dịch thì đọc thấy rắc rối nhưng vẫn cố.
Đến năm đầu đại học, có thẻ đọc thư viện quốc gia đọc
tất cả những cuốn sách dịch của nền triết học phương Tây, Trung Hoa và
sách của các nhà mácxít mà tôi mê nhất là Plêkhanốp.
Nửa sau thập niên 1960, đi dạy cấp III, môn văn, có
điều kiện hơn, tôi tiếp tục “mọt” cả sách lẫn tạp chí triết. “Mọt” cuốn
Từ điển triết học của Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô, cố gắng “nghiền” Tư
bản luận của Marx, Bút ký triết học của Lênin mà đầu muốn nổ tung.
Riêng tôi rất mê những bài nghiên cứu về Nho giáo đăng trên các tạp chí
của ông Trần Văn Giàu, Trần Đình Hượu.
Sau năm 1975, sách dịch các tác phẩm triết phương Tây
và phương Đông của Sài Gòn cũ qua đường bạn bè gửi ra và do tôi mua ở
chợ sách Nguyễn Thị Nhu khi chuyển vào TP.HCM dạy mỹ học (1977), tôi tha
hồ “mọt”. Bị chấn động bởi Sigmund Freud, và được giải thoát bởi
J.Krishnamurti, tôi đã đọc triết mà mê như đọc tiểu thuyết.
Đọc để biết và để hiểu
Sách, tạp chí tôi đọc chi chít những ghi chú bằng bút
chì và những chỗ gạch dưới. Tôi không thể nhớ mình đã ghi những gì ở đó,
chắc bây giờ đọc lại có chỗ hẳn là thú vị, cũng có chỗ ngô nghê lắm. Mà
cũng không chỉ sách triết đâu nhé. Hồi còn ở Tuyên Quang, tôi có trang
trại, trồng trọt và chăn nuôi đủ thứ. Mà nuôi con gì, trồng cây gì đều
tìm sách để đọc cả. Có kiến thức về cây trồng và vật nuôi, mang áp dụng
vào sản xuất kết quả thật mỹ mãn.
Té ra đọc sách là để biết. Nhưng... giữa biết và hiểu
là một khoảng cách mênh mông. Biết là những cái ở bên ngoài mình, không
phải là của mình. Còn hiểu là đã ở bên trong mình, nghĩa là của mình
rồi. Đọc sách, dù đọc bao nhiêu nữa cũng mới chỉ là biết thôi. Cái sự
biết muốn trở thành hiểu - biết thì phải sống. Mà sống chính là cuộc
đời.
Từ năm 1980 khi bỏ dạy học chuyển hẳn sang hoạt động âm
nhạc, mặc dù vẫn còn đọc, nhưng không có nhu cầu “mọt” nữa. Càng ngày
tôi càng hiểu cuốn sách lớn nhất là cuộc đời và tôi đã đọc nó. Ở chỗ này
“con mọt sách” đã lột xác để thành bướm bay lên. Dĩ nhiên muốn hóa bướm
thì phải làm kén (“con mọt sách”) trước đã.
Đọc sách cho ta tri thức, mở rộng tầm nhìn, cho ta kỹ
năng tư duy và diễn đạt, cho ta trí tưởng tượng và khả năng duy trì
những cảm xúc nội tâm, nhưng những lợi thế đó chỉ có ý nghĩa khi ta sử
dụng nó để “đọc” cuộc sống để trở thành con người hiểu biết. Con người
hiểu biết là con người hữu dụng. Bằng không, biết lắm cũng chỉ là một kẻ
vô tích sự.
DƯƠNG THỤ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét