UBND tỉnh Lâm
Đồng vừa có văn bản về việc “Triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể
phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” trên địa
bàn tỉnh Lâm Đồng.
Một trong những nội dung của văn bản
này được nhiều người quan tâm là UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Y tế Lâm
Đồng “Tuyên truyền và vận động người dân bảo vệ nguồn tài nguyên dược
liệu; hướng dẫn người dân thu hái hợp lý đi đôi với trồng mới và phổ
biến kinh nghiệm sử dụng dược liệu để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức
khỏe”.
NGUỒN DƯỢC LIỆU PHONG PHÚ
Qua tiến hành nghiên cứu trong nhiều
năm với đề tài “Điều tra, đánh giá nguồn dược liệu tỉnh Lâm Đồng và định
hướng phát triển một số loài đặc hữu có giá trị kinh tế cao”, Trung tâm
Sâm và dược liệu TP.HCM đánh giá Lâm Đồng là địa phương có nguồn dược
liệu rất phong phú, trong đó có nhiều loài quý hiếm, có giá trị cao về
mặt y học lẫn kinh tế.
Theo số liệu do Trung tâm Sâm và dược
liệu TP.HCM vừa công bố, Lâm Đồng hiện có 1.247 loài cây làm thuốc trong
y học, trong đó có 40 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Đặc biệt,
trong các loài dược liệu Lâm Đồng có đến 50 loài được xếp ở dạng “chiếm
ưu thế”, trong đó có nhiều loài là đặc hữu và có giá trị kinh tế cao.
Người dân bày bán công khai nguồn dược liệu khai thác từ tự nhiên ở môi trường rừng
tại bờ hồ Xuân Hương (Đà Lạt)
Một ví dụ được đưa ra: Trên thế giới
có 400 loài thuộc họ nhân sâm thì Việt Nam chiếm 80 loài; trong 80 loài
thuộc họ nhân sâm ở Việt Nam, Lâm Đồng có đến 50 loài. Tài liệu của
Trung tâm Sâm và dược liệu TP.HCM còn ghi nhận nhiều loài dược liệu quý
hiếm đang có ở Lâm Đồng như thông đỏ (phân bổ ở vùng núi cao thuộc TP Đà
Lạt và một số huyện như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng…), đảng sâm (Đà
Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương), thiên niên kiện (Đức Trọng, Di Linh, Bảo
Lộc), sa nhân (Di Linh, Bảo Lộc, Đạ Huoai), thổ phục linh, sa nhân tím,
trà mi, hoàng liên ô rô, nữ lang, nắp ấm Trung bộ (phân bố ở nhiều địa
phương)…
Hoặc như, theo tri thức dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có đến 116 loài rau rừng vừa dùng làm thực phẩm nhưng đồng thời là để chữa nhiều loại bệnh (theo công bố của một nhóm nhà khoa học thuộc Trường Đại học Đà Lạt) như đau nhức xương, ho, đau đầu, tiêu chảy, đau bụng, rong huyết…
Trong các loại rau rừng ở Lâm Đồng
được người dân tộc thiểu số địa phương vừa làm thức ăn và vừa chữa bệnh
thì đáng kể là các loại càng cua, chuối rừng, lá bép, lu lu đực, lá
giang…
KHAI THÁC TRÀN LAN
Một cán bộ có trách nhiệm thuộc Hội
Dược liệu Lâm Đồng lên tiếng than phiền: “Trong thực tế, từ những năm
đầu 80 của thế kỷ trước đến nay Lâm Đồng hầu như buông lỏng quản lý
nguồn dược liệu. Nếu tình trạng chỉ có thu mua thôi, thu mua bao nhiêu
cũng không đủ, thì rõ ràng nguồn dược liệu trong tự nhiên không sớm thì
muộn cũng phải cạn kiệt, nhất là nguồn dược liệu lấy từ rừng tự nhiên”.
Trong thực tế, tình trạng thu hái
nguồn dược liệu tự nhiên từ rừng ở Lâm Đồng diễn ra rất nhiều năm qua;
và có không ít cơ quan chức năng gióng lên những hồi chuông báo động từ
lâu. Tại xã Lộc Lâm (xã vùng sâu của huyện Bảo Lâm), trong số gần 500 hộ
dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số), hầu như nhà nào cũng có
người hàng ngày vào rừng thu hái các loại dược liệu về bán lấy tiền.
“Mùa nào thức ấy. Ông
chủ thu mua biết là mùa này có loại cây gì lá gì, mùa kia có loại cây
gì lá gì, bảo dân chúng tôi vào rừng hái lá đó cây đó là chúng tôi đi
hái” - một người dân ở xã Lộc Lâm cho biết. Ngay tại địa bàn xã Lộc Lâm,
một người từ Bảo Lộc vào đây mở đại lý thu mua dược liệu do bà con dân
tộc thiểu số thu hái từ rừng đã trên dưới 20 năm nay và hoạt động xem ra
khá công khai.
“Có ngày, chỉ riêng lan gấm thôi, tôi
thu mua những 2 tấn. Tùy mối bỏ hàng mà thu mua, nhưng nói chung, giá
lan gấm thu mua lúc thấp nhất cũng trên 250.000 đồng/kg; còn lúc cao thì
350.000 đồng, hoặc có khi hơn” - ông chủ này cho biết. Tuy công khai về
giá cả nhưng khi được hỏi về mối hàng của ông bỏ ở đâu sau thu mua thì
ông lại “hoàn toàn bí mật”.
Trong khi đó, một ông chủ khác ở huyện
Đạ Tẻh thì rất công khai: “Trung Quốc lấy hàng loại gì thì tôi có loại
đó. Nhưng nhiều nhất là linh chi. Có ngày, tôi đóng cả vài tấn linh chi
chở đi. Còn nếu như, đầu vào mà Lâm Đồng không có thì tôi “ới” sang tận
Đăk Lăk, Gia Lai…; thậm chí xuống cả dưới Đồng Tháp, Bạc Liêu…”.
Mới đây, tại một hội thảo bàn về bảo
tồn sự đa dạng sinh học trong khu vực, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm
Đồng) cho biết là hiện tại “mức độ suy giảm và mất tiểu sinh cảnh của
Vườn từ việc khai thác lâm sản ngoài gỗ lên đến 41 - 60%”. Bởi vậy, nhằm
bảo tồn sự đa dạng sinh học trong khu vực Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà,
vấn đề đặt ra là phải quản lý chặt việc khai thác lâm sản ngoài gỗ, nhất
là các loài dược liệu có trong rừng tự nhiên, đặc biệt là các loài quý
hiếm.
KHẮC DŨNG
Nguồn: http://nongnghiep.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét