Translate

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Kỳ tích của một thủ thư ở Mỹ: 35 năm ghi lại lịch sử bằng băng video

Từ năm 1977 tới năm 2012, có một người phụ nữ bình thường đã lặng lẽ ghi lại lịch sử thế giới qua các bản tin truyền hình Mỹ và cất trữ trong 140.000 chiếc băng video. Giờ đây thư viện số phi lợi nhuận Internet Archive đã có kế hoạch công bố các băng video này để công chúng có thể tìm kiếm, nghiên cứu  hoàn toàn miễn phí.
Trong một nhà kho ở Philadelphia, Mỹ, có 140.000 băng video VHS nằm im lặng trong 4 container chở hàng.
Niềm đam mê lưu trữ truyền hình
Phần lớn đều được gắn nhãn thủ công, với thời gian ghi hình trải dài từ năm 1997 tới 2012. Nếu đưa một trong các băng hình này vào đầu phát video, bạn có thể thấy các khung hình ghi lại cuộc khủng hoảng con tin Iran, hoạt động của chính quyền Reagan hoặc gần đây nhất là tin bão Katrina tàn phá nước Mỹ.
Đó là 35 năm lịch sử đã được ghi lại qua lăng kính của các đội tin tức truyền hình Mỹ và được lưu trữ dưới một định dạng đang dần biến mất: băng video. Đó cũng chính là thành quả cả đời của Marion Stokes, người đã xây một kho lưu trữ nội dung truyền hình cáp, truyền hình địa phương và quốc gia trong nhà bà. Bà ghi lại tất cả các tin tức lớn nhất cho tới ngày qua đời hồi năm 2012 vì ung thư phổi, hưởng thọ 83 tuổi.
Bà Marion Stokes, người đã dành 35 năm trong đời để lưu trữ gần như mọi tin tức phát trên truyền hình
Stokes là một cựu thủ thư, người từng đồng sản xuất một chương trình truyền hình địa phương cùng chồng John Stokes Jr. suốt 2 năm trời. Bà bắt đầu thường xuyên ghi lại nội dung truyền hình từ năm 1977. Bà ghi rất nhiều thứ, nhưng nghĩ rằng tin tức là điều đặc biệt quan trọng nên đã thu tin từ các đài MSNBC, Fox, CNN, CSNBC, và CSPAN. Bà ghi truyền hình 24/24, sử dụng có lúc tới 8 đầu thu một lúc.
Bà thường bỏ các băng video với thời lượng 6 tiếng đồng hồ vào máy thu mỗi đêm. Ngày tiếp theo, bà thức dậy để thay băng, hoặc yêu cầu thành viên trong gia đình làm hộ mình nếu đi vắng.
Bà thường ăn vội bữa ăn ở nhà hàng và "phi" về nhà chỉ để chờ thay băng. Khi đã quá già để thu băng, bà huấn luyện một người giúp việc trẻ tuổi tên Frank để anh chạy các máy thu khác nhau.
Hành động ý nghĩa sau bề ngoài kỳ dị

Về cơ bản, gần như mỗi ngày của bà Stokes chỉ xoay quanh việc để ý và ghi lại mọi thứ đã xuất hiện trên tin tức. "Gần như mọi thứ khác đều xếp sau" - con trai bà là Michael Metelits nói - "Bà có niềm tin sâu sắc rằng những thứ này sẽ trở nên có ích. Rằng cuối cùng ai đó sẽ tìm ra cách để thống kê, lưu trữ và giúp chúng trở nên hữu dụng".
Stokes thường mua các băng VHS với số lượng lên tới hàng chục băng. Lượng băng ghi lại của bà chất cao tới mức có thể đổ sang một bên. Dự án đã khiến băng video nhanh chóng lấp đầy vài căn hộ mà bà sở hữu. “Công tác cất trữ thực sự là một cơn ác mộng" - Metelits nói - "Khi người ta hỏi rằng vì sao nhà bà luôn đầy tivi, máy ghi hình và băng hình, bà thường trả lời: "Tôi đang lưu trữ, vậy thôi"".
Với không ít người, thú vui lưu trữ tin tức truyền hình của bà Stokes, vốn tốn kém và mất thời gian, là hành động kỳ dị không hơn. Nhưng Roger Macdonald lại cho rằng Stokes là một người hùng. Ông cũng là một thủ thư, đang điều hành mảng truyền hình của Internet Archive. 

Bà Stokes đã lưu lại các chương trình bằng băng video VHS, một định dạng đang dần biến mất

Kể từ năm 2000, đội của ông đã bắt đầu ghi lại tin tức truyền hình phát trên toàn nước Mỹ dưới định dạng số để một ngày nào đó chúng trở thành thông tin có thể tìm kiếm được. Hiện Internet Archive đã đưa lên mạng tất cả tin tức truyền hình phát đi trong 4 năm qua.
Hệ thống của Macdonald đơn giản hơn nhiều hệ thống máy ghi video của Stokes. Chúng chỉ là những máy tính nhỏ xếp chồng lên nhau, với ổ cứng ro ro hoạt động, liên tục ghi lại thông tin truyền hình. Nhưng ý nghĩa của hai "hệ thống" là giống nhau, đều ghi lại lịch sử.
Cả cộng đồng sẽ hưởng thành quả
Khi Macdonald nghe tin về kho lưu trữ khổng lồ của Stokes, ông đã liên lạc với con trai bà để tìm thông tin. “Mọi thông tin nhận được chỉ khiến mắt tôi mở to hơn. Chúng ta đang nói về bao nhiêu băng video vậy? Việc đó diễn ra thế nào? Làm sao một gia đình có thể sống như vậy? Đây là một câu chuyện hết sức tuyệt vời" - ông nói. Internet Archive từng nhận được các bộ sưu tập lớn gồm từ 100-200 băng video, nhưng họ chưa từng có một "kho báu" như thế.
Theo các chuyên gia, tin tức truyền hình ở thời kỳ đầu không hề dễ kiếm, bởi các đài truyền hình khi đó đều không làm tốt công tác lưu trữ. Hiện Thư viện tin tức truyền hình Vanderbilt ở Mỹ là một trong những nơi có bộ sưu tập nội dung truyền hình lớn nhất thế giới. Thư viện có chương trình ghi lại nội dung truyền hình từ năm 1968, nhưng những ai muốn xem các nội dung này phải trả phí thuê (dù nhỏ). Thư viện không tải hết các nội dung họ có lên mạng Internet.
Nhưng Internet Archive thì khác. Thư viện muốn đưa tất cả kho thông tin truyền hình mình có lên mạng để ai cũng có thể tiếp cận được. Nhưng thư viện không thể thuê, mượn nội dung từ những nơi như Vanderbilt. Họ phải nhờ vào sự quyên góp và những người như Stokes đã đóng góp công lao vô cùng lớn.
"Có thể một số tin tức sẽ biến mất vĩnh viễn" - Macdonald nói - "Nhưng ai mà biết được, bởi ngoài kia rất có thể vẫn còn một Marion Stokes khác, với niềm đam mê tương tự, đang cần mẫn mỗi ngày, biến tin tức truyền hình thành thông tin lưu trữ giá trị".
Tường Linh (theo FastComp)
Thể thao & Văn hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét